ĐBQH nói 1 việc trong 2 kỳ họp hỏi các Bộ trưởng nhưng chưa xong nên xin làm phiền Thủ tướng

Nhóm PV Thứ bảy, ngày 05/11/2022 14:55 PM (GMT+7)
Là ĐBQH cuối cùng chất vấn Thủ tướng Chính phủ, ông Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nói: Thực hiện phương châm một việc đã nêu ra thì theo đến tận cùng, có 1 việc trong 2 kỳ họp 3 và 4, ông đã hỏi các Bộ trưởng nhưng đến nay chưa xong nên xin phép làm phiền Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận 0

16 giờ 40'

Quy định của Luật Đầu tư công đang khiến cho nhiều địa phương vướng mắc

Ở lượt câu hỏi chất vấn cuối cùng dành cho Thủ tướng Chính phủ, ĐBQG Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nói: Thực hiện phương châm một việc đã nêu ra thì theo đến tận cùng,  có 1 việc trong 2 kỳ họp 3 và 4 tôi đã hỏi các Bộ trưởng nhưng đến nay chưa xong nên xin phép làm phiền Thủ tướng.

ĐBQH nói 1 việc trong 2 kỳ họp hỏi các Bộ trưởng nhưng chưa xong nên xin làm phiền Thủ tướng - Ảnh 1.

ĐBQH Trần Hữu Hậu nói 1 việc trong 2 kỳ họp hỏi các Bộ trưởng nhưng chưa xong nên xin làm phiền Thủ tướng. Ảnh QH

ĐB cho biết: Quy định của Luật Đầu tư công đang khiến cho nhiều địa phương vướng mắc khi lập dự toán ngân sách năm 2023 trong việc bố trí kinh phí cho việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản công có nhu cầu cấp thiết, cấp bách và có giá trị không lớn.

Hậu quả của việc này tôi đã phân tích trong phiên giám sát thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã xin ý kiến 63 tỉnh thành và 21 bộ, ngành, nhưng chỉ có 1 bộ không đồng ý, trên cơ sở đó đã đề xuất Chính phủ trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội xem xét ra nghị quyết tháo gỡ vướng mắc này. Xin Thủ tướng cho biết, Chính phủ có kịp trình nội dung này ra kỳ họp thứ 4 này không, nếu không thì nguyên nhân tại sao và bao giờ trình được, hay Thủ tướng có biện pháp tháo gỡ nào khác?

Trả lời, Thủ tướng Chính phủ nói: Vấn đề thứ nhất là chúng ta chưa sửa được Luật, nếu Quốc hội cho phép thì chúng ta sửa, xem còn vướng cái gì.

"Tôi sẽ chỉ đạo các bộ, ngành cố gắng, nếu được Quốc hội ủng hộ thì chúng tôi sẽ trình ra kỳ họp này. Không biết Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chuẩn bị có kịp hay không?, còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng có những lý riêng của Bộ trưởng. Nhưng chúng ta thấy đa số đồng ý và thực tế vướng là do chúng ta đặt ra cho nên cần sửa", Thủ tướng nói.

16 giờ 30':

Bố trí được 470.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần nhiệm kỳ trước để phát triển hạ tầng giao thông

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt - Đoàn ĐQBH tỉnh Điện Biên khi chất vấn Thủ tướng đã đề cập đến vấn đề ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng khiến nhiều đô thị ven biển của nước ta thường xuyên bị ngập mặn, gặp nạn khi mưa lớn, triều cường.

Nữ đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết trong quy hoạch phát triển đô thị nước ta, xây dựng hạ tầng cấp thoát nước, giao thông… đã cập nhật như thế nào, các kịch bản biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và hướng giải quyết ra sao cho một quốc gia đất hẹp, người đông như nước ta.

Trực tiếp Thủ tướng trả lời chất vấn: Sắp xếp lại bộ máy giảm được 17 tổng cục, 8 cục - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đã bố trí được 470.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần nhiệm kỳ trước để phát triển hạ tầng giao thông. Ảnh QH

Đại biểu nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược quan trọng, Thủ tướng Chính phủ đã có chiến lược, giải pháp nào để thực hiện thành công nhiệm vụ này?

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, nước ta là một trong những nước chịu biến đổi khí hậu rất lớn. Vì vậy, cần phải nhận thức, hành động tương xứng với những gì mà biến đổi khí hậu tác động, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long - khu vực này không những bị sạt lở mà còn bị lún, nước biển dâng.

Theo Thủ tướng, vừa qua, Chính phủ đã đề nghị các bộ ngành khảo sát lại việc biến đổi khí hậu tác động như thế nào đến đất nước ta, nhất là những vùng trọng điểm như Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc. Trong đó, cần xây dựng thể chế như việc chuyển đổi năng lượng cần xây dựng luật chuyển đổi này như thế nào.

Vấn đề đảm bảo các nguồn lực, Thủ tướng cho rằng "cũng rất quan trọng". Thời gian qua, chúng ta quan tâm, dành nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu. Không chỉ huy động nguồn lực của nhà nước, mà còn huy động nguồn lực theo phương thức đối tác công tư. Đồng thời, tăng cường chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, hợp tác quốc tế; tăng cường quản trị, trong đó quan trọng là quản trị quốc gia.

Về nội dung chiến lược phát triển hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng, Thủ tướng cho hay, trong các phiên chất vấn, vấn đề hạ tầng đã được các bộ trưởng, trưởng ngành phân tích. Riêng về vấn đề phát triển hạ tầng giao thông, Thủ tướng nói "nhiệm kỳ này đã dành 470.000 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng giao thông". So với trước, dự kiến dành 165.000 tỷ đồng, nhưng cuối cùng chỉ huy động được 134.000 tỷ đồng, còn trong nhiệm kỳ này đã bố trí được 470.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần.

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường hợp tác công tư để phát triển hạ tầng giao thông. "Chính phủ đang tổng kết vấn đề thực hiện BOT, nghiên cứu thêm về BT để xin ý kiến các cấp có thẩm quyền để thực hiện. Có như vậy mới phát triển được hạ tầng giao thông và hạ tầng chiến lược nói chung", Thủ tướng nhấn mạnh.

Chống dịch từ sớm, từ xa

15 giờ 50 ':

Trả lời đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) về bài học qua chống dịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ qua 2 năm chống dịch chưa từng có tiền lệ, không thể dự báo và mất rất nhiều công sức, đến nay vẫn chưa thể dành được thời gian để tổng kết. Song Ban Chỉ đạo thống nhất sẽ phải tiến hành tổng kết để rút ra được bai học kinh nghiệm.

Về sơ bộ, Thủ tướng Chính phủ cho biết kinh nghiệm trong quá trình chống dịch cho thấy đã đưa ra được 3 trụ cột chính là xét nghiệm - cách ly - điều trị; đồng thời đưa ra được công thức chống dịch 5K + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức của người dân và nhiều cộng nữa để co dư địa, không gian sáng tạo.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết trong giai đoạn 1 khi chưa tiếp cận được vaccine, chưa hiểu biết hết được về virus đã buộc chúng ta phải dùng biện pháp hành chính. Sau khi nhấn thấy biện pháp hành chính rất khó thành công thì chúng ta đã thúc đẩy vaccine. Theo đó đã xây dựng chiến lược vaccine cùng với là ý thức người dân là 2 thành tố quan trọng từ đó đẩy lùi được dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, với quan điểm chống dịch "đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết" và "chống dịch từ sớm, từ xa", có sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè quốc tế thì nước ta đã thành công.

15 giờ 20: 

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) nêu câu hỏi chất vấn với Thủ tướng. Đó là Quốc hội  khóa XV đã quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ mới, tuy nhiên đã hơn 1 năm nhiều nghị định, quy định chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành vẫn chưa được Chính phủ ban hành; các quyết định, quy định của các cơ quan thuộc bộ, ngành phải chờ nghị định. Việc chậm trễ này ít nhiều tác động đến tâm lý của cán bộ công chức, người lao động. Đề nghị Thủ tướng nguyên nhân của việc chậm trễ nêu trên và có giải pháp căn cơ gì giải quyết vấn đề này.

Trực tiếp Thủ tướng trả lời chất vấn: Sắp xếp lại bộ máy giảm được 17 tổng cục, 8 cục - Ảnh 1.

Thủ tướng trả lời chất vấn: Sắp xếp lại bộ máy giảm được 17 tổng cục, 8 cục. Ảnh QH

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, phần nội dung này Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà và Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã trả lời nên ông không đề cập nhiều để tiết kiệm thời gian.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang phấn đấu thực hiện trong tháng 11 hoặc chậm nhất là giữa tháng 12/2202,  hoàn thành nghị định với tinh thần bám sát nghị quyết 19 của Trung ương khóa XII, về tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế, gắn với cơ cấu lại và nâng cao đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

"So với thời gian yêu cầu là chậm, còn về hiệu quả sẽ giảm được 17 tổng cục, giảm được khâu trung gian, giảm được 8 cục và giảm được hơn 100 cấp vụ", Thủ tướng cho biết.

Trực tiếp Thủ tướng trả lời chất vấn: Sắp xếp lại bộ máy giảm được 17 tổng cục, 8 cục - Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) nêu câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Ảnh QH

15 giờ 15': 

 Đường lối đối ngoại của chúng ta là không chọn bên mà chọn công lý, lẽ phải 

Trả lời câu hỏi của ĐBQH  Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) liên quan đến vấn đề đối ngoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đất nước có nhiều việc, trong đó có 2 việc lớn là đối nội và đối ngoại. "Chúng ta nhớ lại rằng, các cụ ngày xưa có nói là "giữ nước" và "chăm dân" thì cũng như hai nhiệm vụ chiến lược bây giờ", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết: Định hướng đối ngoại đã được nêu rõ trong Cương lĩnh, Hiến pháp và Đại hội XIII, chúng ta theo đuổi một đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy với tất các nước trên thế giới, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Hiện nay, chúng ta đang thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối chung này, trong bối cảnh khu vực. Trên thực tế, chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại này với 3 trụ cột chính là: Ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa. Chúng ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng, mà chúng ta ứng xử với những vấn đề quốc tế phức tạp trên thế giới trong thời gian vừa qua như vấn đề liên quan đến Ukraine, khủng hoảng liên quan đến Ukraine.

Theo Thủ tướng thái độ của chúng ta thể hiện ở Liên Hợp Quốc cũng được bạn bè chia sẻ trong bối cảnh chúng ta phải thể hiện chứng kiến. Đường lối đối ngoại chúng ta là không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải. 

15 giờ ngày 5/11, trong làm rõ một số nội dung liên quan trước khi trực tiếp trả lời chất vấn các ĐBQH, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu các số liệu như số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 2,89%. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD….

Thủ tướng lưu ý, trong bối cảnh khó khăn và thách thức, điều hành kinh tế vĩ mô ngày càng khó khăn nên tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động, mà phải luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt".

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, thận trọng, chủ động, linh hoạt; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác; không chuyển trạng thái đột ngột.

Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các chủ thể liên quan theo đúng quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

"Chúng ta không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực; để phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế, mà còn để bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững" – Thủ tướng nhấn mạnh.

Sau khi 4 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đăng đàn trả lời chất vấn các ĐBQH, 14 giờ 54' ngày 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đăng đàn làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của ĐBQH.

Thời gian dành cho Thủ tướng để làm rõ những vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn từ 14  giờ 54' đến 16 giờ 50' (từ 15 giờ 30' -15 giờ 50' Quốc hội nghỉ giải lao - theo lịch trước đó thời gian dành cho Thủ tướng từ 15 giờ 10' đến 16 giờ 50').

4 tư lệnh ngành đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội trước đó là Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ TTTT, Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Trực tiếp: Thủ tướng trả lời chất vấn trước Quốc hội từ 15 giờ 10 phút - Ảnh 1.

Chiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đăng đàn làm rõ một số vấn đề liên quan và trả lời chất vấn các ĐBQH. Ảnh TTBCQH

Tại phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ đã có 31 ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn, có 8 ĐBQH tranh luận, có 29 ĐBQH đăng ký nhưng do không đủ thời gian nên đã không chất vấn trực tiếp.

Còn tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đã có 31 lượt ý kiến chất vấn, 3 lượt ý kiến tranh luận, còn 70 ý kiến chất vấn và 1 ý kiến tranh luận chưa phát biểu.

Qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy những kết quả mà ngành Nội vụ đạt được tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế thuộc lĩnh vực của ngành. Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác của ngành, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương – người điều hành phiên chất vấn đã đề nghị Bộ Nội vụ thực hiện một số giải pháp khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng; xây dựng vị trí việc làm, hoàn thành các định mức kinh tế kỹ thuật, xây dựng đơn giá, khẩn trương phê duyệt đề án tự chủ, đặc biệt lĩnh vực y tế giáo dục; hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh xã hội hóa một số lĩnh vực công.

Trực tiếp: Thủ tướng bắt đầu làm rõ các vấn đề và trả lời chất vấn sớm hơn so với dự kiến  - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên Quốc hội chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Ảnh TTBCQH

Bên cạnh đó, cần sớm trình lộ trình cải cách tiền lương; xây dựng đề án chiến lược quốc gia thu hút nhân tài; sửa đổi bổ sung định mức viên chế, phù hợp vùng miền; quy định hợp đồng lao động trong các cơ quan hành chính; đổi mới công tác tuyển dụng công chức nhằm đảm bảo chất lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo chất lượng nhân lực; quan tâm xây dựng công chức viên chức vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn…

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, có 33 ĐBQH đặt câu hỏi, 10 đại biểu phát biểu tranh luận. Còn 54 ĐBQH đăng ký phát biểu, 3 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng chưa được đặt câu hỏi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã nắm rõ các vấn đề, thể hiện kinh nghiệm quản lý lĩnh vực, có sự chuẩn bị khá tốt về nội dung, trả lời thẳng thắn các vấn đề mà ĐBQH quan tâm. Giải trình đầy đủ các vấn đề còn bất cập, đề xuất một giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, có 61 đại biểu đăng ký, 36 đại biểu đã chất vấn, 1 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Xây dựng. 25 đại biểu có câu hỏi nhưng do điều kiện thời gian chưa được chất vấn trực tiếp.

Liên quan đến phần chất vấn của 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có phát biểu làm rõ một số nội dung liên quan.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem