ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền: Sự cố xã hội hóa sách giáo khoa là "bài học cay đắng, xương máu"

Hoàng Thành Thứ hai, ngày 29/03/2021 10:26 AM (GMT+7)
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, sự cố xã hội hóa sách giáo khoa thời gian vừa qua "là bài học cay đắng, bài học xương máu cho các nhà quản lý giáo dục".
Bình luận 0

Sáng 29/3, phát biểu tại phiên thảo luận về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước và Chính phủ tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) nhấn mạnh, Chính phủ công chính thì không có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hay lợi ích cục bộ, ở đó chỉ có lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Để xây dựng một Chính phủ có chức năng kiến tạo - phát triển không thể chỉ gói gọn trong nhiệm kỳ 5 năm mà phải cần nhiều thời gian hơn. Bởi, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Chính phủ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do con người.

"Chính phủ đã "bắt rất đúng bệnh", việc tiếp theo là điều trị bệnh chứ không chỉ dừng lại ở thăm khám, kê đơn, chỉ điều trị triệu chứng mà không điều trị nguyên nhân", ĐB Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Thị Minh Hiền: Sự cố sách giáo khoa là "bài học cay đắng, xương máu" - Ảnh 1.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền đoàn Phú Yên.

Cũng trong phiên thảo luận, nữ ĐBQH đoàn Phú Yên gửi gắm hai vấn đề tới Chính phủ nhiệm kỳ tới. Thứ nhất, mong Chính phủ nhiệm kỳ tới dành thời gian rà soát chính sách sử dụng nhân tài bởi vấn đề con người có ý nghĩa quyết định đến năng lực của bộ máy.

Theo ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền, thực tế cho thấy, xã hội hiện không chỉ có một, mà có rất nhiều kiểu chuyên gia khác nhau. Trong hệ thống bộ máy của chúng ta cũng vậy, có hai nhóm chuyên gia: Nhóm chuyên gia thông thái và nhóm chuyên gia thông minh.

Chuyên gia thông thái luôn có cái nhìn tổng thể, khách quan, liên tục học hỏi, dám nhận sai, chỉ ra cái sai, đối mặt với cái dở của ngành mình, địa phương mình, từ đó họ có khả năng đưa ra quyết định dựa trên những thông tin họ thu thập, quan sát được.

Chuyên gia thông minh dù có khả năng thu thập thông tin nhưng phần lớn thường mắc lỗi tư duy theo lối mòn chuyên ngành, chỉ phân tích chuyên môn mang tính an toàn trong lĩnh vực họ nghiên cứu, dù họ có thừa những chứng chỉ, học hàm, học vị.

Khi tư duy hoạt động bị thu hẹp theo lối mòn, cái tôi sẽ phình ra và đó cũng là một trong những nguyên nhân của không ít nhóm chính sách khi ban hành lại thiếu sự liên kết, tích hợp, thiếu tính thực tiễn, thậm chí là ngắn hạn và đối phó. Những cách làm chính sách như thế hiện nay đang tồn tại rất nhiều trong bộ máy của chúng ta, đó là một sự thật.

"Tôi rất mong, Chính phủ cần cương quyết xóa bỏ những lối mòn về tư duy hay tránh xa những "vết xe đổ" trong điều hành quản lý, muốn kiến tạo tương lai thì không thể ẩn mình an toàn trong các lỗ hổng chính sách đã cũ, đã hỏng và không còn phù hợp", ĐB Phạm Thị Minh Hiền nêu quan điểm.

Vấn đề thứ hai nữ ĐBQH đoàn Phú Yên quan tâm là công tác giáo dục. Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, sự cố xã hội hóa sách giáo khoa thời gian vừa qua "là bài học cay đắng, bài học xương máu cho các nhà quản lý giáo dục".

Điều đáng nói là khi xã hội đã thấy rõ những hậu quả mà nhiều học sinh và gia đình đang phải đối mặt thì vấn đề cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm này lại chưa rõ ràng. Do đó, đại biểu đề nghị "đừng xem trách nhiệm là trái bóng" và Quốc hội, Chính phủ cần có những cơ chế tăng thêm kỷ cương quốc gia.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem