ĐBSCL: Nước từ thượng nguồn sông Mekong thiếu hụt 10%, nguy cơ xâm nhập mặn đến sớm

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 25/08/2021 06:00 AM (GMT+7)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể đến sớm và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, các địa phương cần chủ động các phương án sản xuất, bảo vệ diện tích lúa, cây ăn trái…
Bình luận 0

Hoàn thành hơn 60% kế hoạch xuống giống vụ thu đông

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), đến thời điểm này, toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống được 420.000ha lúa thu đông, đạt 60,22% kế hoạch. Từ nay đến cuối tháng 8, sẽ xuống giống dứt điểm các diện tích còn lại.

Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương tăng cường sử dụng giống lúa thơm và lúa chất lượng cao khoảng 80% diện tích; lúa trung bình 10%, còn lại là nếp.

Tại Đồng Tháp, dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp những ngày qua nông dân các huyện trong tỉnh đã tranh thủ xuống giống lúa thu đông được hơn 101.000/119.100ha theo kế hoạch đề ra. Trong đó, một số nơi gieo sạ sớm như ở huyện Thanh Bình, Tháp Mười…, lúa thu đông đã bắt đầu trổ bông.

Xâm nhập mặn đến sớm ở ĐBSCL - Ảnh 1.

Nông dân Hậu Giang sử dụng máy gieo sạ lúa. Ảnh: TTKN Hậu Giang

Đến thời điểm này, toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống được hơn 400.000ha lúa thu đông trong kế hoạch sản xuất khoảng 700.000ha lúa thu đông của năm 2021.

Để đảm bảo cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp khuyến cáo nông dân cần áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, bón vùi phân bón theo tỷ lệ 100% DAP, 50% kali trước khi trục trạc đất lần cuối, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước hợp lý... giúp giảm chi phí, tăng chất lượng và lợi nhuận.

Đối với những khu vực chuẩn bị xuống giống lúa, nông dân cần theo dõi chặt tình hình rầy vào đèn, đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 3 tuần, xuống giống tập trung, né rầy hiệu quả.

Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh, thành ĐBSCL theo dõi diễn biến của lũ, bão, khi bố trí thời vụ cho lúa thu đông cần lưu ý đến thời điểm xuống giống chính vụ lúa đông xuân 2021-2022, chú ý kết thúc xuống giống lúa thu đông chậm nhất vào ngày 30/8/2021.

Cục Trồng trọt khuyến cáo sử dụng những giống lúa cho vụ thu đông cần lưu ý về tính chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã.

Sử dụng phân bón trong vụ thu đông ngoài việc cung cấp dinh dưỡng đa lượng phải lưu ý đến việc bổ sung canxi và silic cho lúa để tăng cường tính chống chịu trong điều kiện mưa bão.

ĐBSCL: Xâm nhập mặn ở mức cao và đến sớm

Trong khi đó, theo ông Hoàng Văn Đại - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia ngày 19/8, mực nước tại các trạm trong khu vực ĐBSCL phổ biến thấp hơn từ 0,8 - 3,5m so với trung bình nhiều năm, nhưng cao hơn từ 0,9 - 2,1m so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong (trạm Kratie-Campuchia) về hạ lưu nhỏ hơn trung bình nhiều năm khoảng 21% (21 tỷ m3); nhưng vẫn lớn hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 34% (20 tỷ m3).

Từ tháng 9/2021 đến tháng 2/2022, tổng lượng mưa ở ĐBSCL phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10 - 40%.

Mùa mưa tại khu vực có khả năng kết thúc muộn, trong những tháng mùa khô có thể xuất hiện mưa trái mùa.

"Đỉnh lũ năm 2021 tại đầu nguồn sông Cửu Long (trạm Tân Châu và Châu Đốc) dao động ở mức báo động 1 và xuất hiện muộn (khoảng giữa tháng 10/2021); mực nước đỉnh lũ các trạm vùng hạ nguồn sông Cửu Long phổ biến ở mức báo động 2 và 3, có nơi trên báo động 3, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt tại TP.Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long" - ông Đại cho biết.

Theo ông Đại, tổng lượng dòng chảy trong mùa khô 2021 - 2022 từ thượng nguồn sông Mekong về hạ lưu ở mức thiếu hụt từ 5 - 10% so với trung bình nhiều năm, nhưng cao hơn mùa khô năm 2019 - 2020 khoảng 15 - 25%.

Tổng lượng nước về ĐBSCL (tính đến trạm Kratie) khoảng 83 tỷ m3, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng 2,5 tỷ m3.

"Do vậy, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, khả năng tương đương mùa khô năm 2020 - 2021, 2016 - 2017, không nghiêm trọng như mùa khô 2019 - 2020" - ông Đạt cảnh báo. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem