Xâm nhập mặn ở ĐBSCL tăng hay giảm, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Nam bộ nói gì?
ĐBSCL: Xâm nhập mặn sẽ giảm hay tăng, các tỉnh cần lưu ý điều gì để lấy nước ngọt?
Thứ sáu, ngày 07/05/2021 06:14 AM (GMT+7)
Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, mặn đang giảm mạnh trên dòng chính các sông ĐBSCL do đóng góp đáng kể từ mưa hầu khắp các nơi trên đồng bằng cùng với nước thượng nguồn về tăng, đồng thời triều kém.
Diễn biến và dự báo nguồn nước mùa khô năm 2020- 2021 về ĐBSCL xấp xỉ so với trung bình 10 năm gần đây.
Lưu lượng bình quân tháng 1-2021 tương đương so với trung bình và có cao hơn so với năm kiệt 2015- 2016 và 2019- 2020, nhưng lưu lượng bình quân từ tháng 2 đến 5-2021 cao hơn trung bình nhiều năm do điều tiết của thủy điện và mưa xuất hiện sớm trên lưu vực ở tháng 4 và 5.
Kể từ đầu tháng 5-2021, do đóng góp đáng kể từ mưa hầu khắp các nơi trên đồng bằng cùng với nước thượng nguồn về tăng, triều kém, mặn sẽ tiếp tục giảm mạnh trên dòng chính.
Ranh mặn 4‰ xâm nhập vào sâu nhất trên dòng chính thấp hơn tuần cuối tháng 4-2021 từ 1- 5km, cách cửa sông Cửu Long 30- 40km.
Vùng giữa ĐBSCL trong đó có tỉnh Vĩnh Long, mặn rút ra phía biển, khả năng lấy nước của các hệ thống thủy lợi thuận lợi hơn. Tuy nhiên, địa phương cần chủ động tích trữ và thau rửa hệ thống. Các vùng cách biển 30km trở lên có thể tranh thủ lấy nước khi độ mặn cho phép.
Có thể thấy, từ sau tháng 4 mặn đã bớt căng thẳng, tuy nhiên, các địa phương vẫn chủ động các biện pháp kiểm soát nguồn nước thông qua việc vận hành hợp lý hệ thống công trình thủy lợi, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, tiêu thoát khi cần, đảm bảo tích trữ nước trong các tuần triều cường.
Đồng thời tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước. Các địa phương tiếp tục theo dõi thông tin cập nhật để điều hành sản xuất.
Theo ông Phùng Tiến Dũng- Trưởng Phòng Dự báo khí tượng thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), trong 10 ngày đầu tháng 5-2021, mực nước ở thượng nguồn sông Mekong tiếp tục biến đổi chậm.
Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo triều. Mực nước cao nhất tại Tân Châu là 1,4m, tại Châu Đốc 1,5m, cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,3- 0,33m.
Xu thế xâm nhập mặn ở các sông ĐBSCL tiếp tục giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm trong thời kỳ này ở mức thấp hơn với độ mặn cao nhất trong 10 ngày cuối tháng 4-2021.
Cụ thể, chiều sâu ranh mặn 1‰ trong thời kỳ này có khả năng xâm nhập vào các sông: Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 75- 85km; Cửa Tiểu, Cửa Đại 45- 50km; Hàm Luông 52- 55km; Cổ Chiên 40- 45km; sông Hậu 40- 45km; Cái Lớn 52- 55km.
Chiều sâu ranh mặn 4‰ có khả năng xâm nhập sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây 60- 65km; Cửa Tiểu, Cửa Đại 35- 40km; Hàm Luông 40- 50km; Cổ Chiên 30- 35km; sông Hậu 32- 38km; Cái Lớn 45- 50km. Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL: Cấp 1.
Riêng tại Vĩnh Long, những ngày qua độ mặn tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) đã giảm dưới ngưỡng 1‰ sau thời gian tăng cao theo con nước triều cường rằm tháng 3âl. Độ mặn cao nhất tại trạm này ghi nhận được lên đến 3,8‰ vào ngày 26-4-2021, sau đó giảm dần.
Theo ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, ngay từ ngày 30-4-2021, phòng đã thông báo mở xuyên suốt cống Vũng Liêm và Cái Tôm trong 7 ngày để điều tiết nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất và lưu thông thủy.
Cụ thể, 2 cống trên sẽ mở xuyên suốt từ 30-4 đến 6-5-2021 (nhằm ngày 19- 25-3 âm lịch) do độ mặn tại vàm Nàng Âm đã giảm dưới ngưỡng 1‰. Khi độ mặn vượt ngưỡng 1‰ thì ngành chuyên môn sẽ trao đổi và thống nhất thông báo sau.
Theo kết quả đo độ mặn của Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, độ mặn đo được vào lúc 17 giờ 30 ngày 30-4-2021 tại cống Nàng Âm 0,2‰, vàm Vũng Liêm 0,2‰ và chợ Vũng Liêm 0,1‰. Tổ quản lý, khai thác tạm thời cống Vũng Liêm vận hành mở cống theo kế hoạch từ sáng 30-4-2021.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.