Ngày giỗ tổ Hùng Vương vừa qua đi, con dân đất Việt vừa thắp những nén tâm hương tưởng nhớ đến ông cha cội nguồn. Bây giờ lắng lòng nhớ lại cái khoảnh khắc thắp nén tâm hương ấy, chúng ta buộc phải suy nghĩ xem rốt cuộc mình đã thực sự học hết và thuộc hết những bài học lớn mà tổ tiên để lại hay chưa?
Khi thăm đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chia sẻ nỗi lòng của một hậu thế trước tiền nhân bằng một câu giản dị mà sâu sắc: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Từ "dựng nước" đến "giữ nước", từ công lao của người "dựng" đến ý thức của người "giữ" không chỉ là một sự tiếp nối về tư duy, mà còn là sự thẩm thấu máu mủ và thiêng liêng về những giá trị bất biến của một dân tộc trải qua cả ngàn năm thăng trầm, đau đớn, nhưng tột bậc anh hùng. Có một qui luật trong cả ngàn năm thăng trầm đó: chỉ cần một phút sơ xảy, một phút chểnh mảng, một phút thiếu dũng cảm với chính bản thân mình là chúng ta phải đối diện với những đe doạ lớn từ bên ngoài lãnh thổ.
Lễ hội Đền Hùng là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước, với ý nghĩa tưởng nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng.
Đời Hùng Vương thứ 6, chỉ vì "Vua cậy nước mình giàu mạnh mà chểnh mảng..." theo ghi chép của "Lĩnh Nam chích quái", mà giặc nhà Ân ồ ạt xâm lăng. Thời ấy, nếu không bất ngờ có một chú bé vụt lớn lên đánh giặc.., vua liệu giữ được nước không?
Đến đời Hùng Vương thứ 18, chỉ vì "Vua bấy giờ cậy mình có binh hùng tướng dũng, bỏ trễ việc nước, chỉ lấy rượu chè làm vui", theo ghi chép của "Việt Nam Sử Lược", mà bị Thục Phán cất quân sang đánh. Và kết quả của trận đánh ấy thì chúng ta đã biết: nước Văn Lang kết thúc sứ mệnh tồn tại kéo dài 18 đời vua, và nước Âu Lạc chính thức thành hình. Rất nhiều lần tôi nghĩ, nếu vua không "bỏ trễ việc nước, chỉ lấy rượu chè làm vui" thì liệu sẽ còn có thêm những đời Hùng Vương thứ 19,20,21...nữa chăng?
Sau cuộc chuyển giao từ Hùng Vương sang An Dương Vương, tưởng chừng bài học đau đớn về một phút bê trễ, mất cả sơn hà phải là bài học mà An Dương Vương thuộc hơn ai hết. Vậy mà không, trước và sau khi có toà thành Cổ Loa, trước và sau khi có nỏ thần - bằng chứng về việc chúng ta có một trình độ tổ chức cao hơn các nước láng giềng, dường như lại là hai An Dương Vương khác nhau. Để rồi khi Triệu Đà đánh tráo nỏ thần, tiến đến sát chân thành, nhà vua mới bình thản đem cái nỏ giả ra đối địch trong vô vọng. Kết quả, chúng ta không chỉ thua một cuộc chiến, mà chính thức rơi vào thời kỳ tối tăm ngàn năm Bắc thuộc.
Trong không khí thiêng liêng của ngày giỗ Tổ vừa qua, chúng ta cúi đầu biết ơn những bậc tiền nhân dựng nước. Và đấy cũng là một dịp mà chúng ta ôn lại và học cho thuộc những bài học lớn mà tiền nhân để lại, cả những bài học mà chắc chắn chúng ta bây giờ phải phát huy lẫn những bài học mà chắc chắn ở đâu đó trong cõi vũ trụ này, tiền nhân cũng không muốn chúng ta "sao y bản chính".
Chỉ môt phút sơ xảy thôi, mất nước, bất chấp đấy là một đất nước đã trải qua tới 18 đời vua. Chỉ một phút sơ xảy thôi, mất nước, bất chấp đất nước ấy có một thứ vũ khí điển hình cho một trình độ tổ chức cao hơn quân thù. Như thế có nghĩa, chúng ta mất nước không phải vì quân thù quá mạnh, mà vì chúng ta đã tự làm suy yếu chúng ta.
Nhìn lại những bài học lịch sử thiêng liêng ấy mới thấy công cuộc "đánh" tham nhũng của Đảng ta hôm nay chính là công cuộc chống suy yếu chính mình. Công cuộc ấy khởi đi từ tiếng trống lệnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Công cuộc ấy được thực hiện một cách quyết liệt theo tinh thần "tắm từ đầu xuống", chứ không còn "tắm từ vai xuống" - lời Tổng bí thư. Và công cuộc ấy tiếp tục được nhấn mạnh bằng khẩu hiệu: "Ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên, cho người khác làm" - vẫn là lời Tổng bí thư. Tất cả những điều này nói rằng, chúng ta đang hành động một cách có trách nhiệm trước tiền nhân. Một dân tộc mà những thế hệ hậu sinh không thực hiện những những hành động có trách nhiệm với tiền nhân chắc chắn không thể phát triển lành mạnh được.
Đánh tham nhũng, như đã nói là nghiêm khắc với chính tổ chức của mình, với chính những đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng "đánh" rồi thì chắc chắn lại phải hỏi: Vì sao trong guồng quay của chúng ta, lại có quá nhiều đồng chí, đồng đội "nhúng chàm" - và lại "nhúng chàm" trong một thời gian rất dài như thế?
Câu chuyện phải chăng không chỉ nằm ở vấn đề "chọn người", cũng không chỉ nằm ở việc "giám sát mà con người", mà vì hệ thống của chúng ta đang trục trặc ở đâu đó? Và nếu đúng vậy thì lại phải trăn trở nghĩ tiếp đến việc hoàn thiện hệ thống, phát triển hệ thống sao cho ở trong hệ thống ấy, những người muốn "nhúng chàm" cũng khó có cơ hội để "nhúng chàm". Đánh và xây, nghiêm khắc với chính mình và cũng không ngừng đổi mới chính mình cho phù hợp với từng bước đi của lịch sử lại là một bài học nữa chúng ta phải học từ tổ tiên mình.
Phải làm sao để ngày giỗ tổ hằng năm, mỗi khi thắp nén hương nhớ về tiên tổ, chúng ta thực sự thấy mình là những kẻ hậu sinh hiếu đạo và giàu trách nhiệm!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.