Để gan không bị tổn thương do thuốc

Thứ tư, ngày 29/05/2013 06:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc dùng thuốc và dược chất không đúng, cộng với môi trường sống ngày càng ô nhiễm đã góp phần làm cho gan bị tổn thương, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng người bệnh...
Bình luận 0

Hơn 1.000 loại thuốc, hoá chất gây độc cho gan

Theo các nhà dược học, thuốc đưa vào cơ thể là chất không độc, nhưng sau khi được chuyển hóa tại gan, một số thuốc lại trở thành chất gây độc cho gan. Tổn thương gan (viêm gan) xảy ra sau khi người bệnh dùng thuốc từ 5 - 90 ngày.

img
Điều trị cho bệnh nhân viêm gan.

Biểu hiện viêm gan do thuốc và hoá chất rất đa dạng. Một số trường hợp không có triệu chứng rõ ràng, chỉ phát hiện tình cờ tăng men gan khi làm xét nghiệm. Một số khác có biểu hiện cấp tính như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, sốt, nổi mẩn ngứa ngoài da, sau đó vàng da, vàng mắt, đi tiểu có màu vàng sậm... Đôi khi, viêm gan do thuốc xảy ra rất nặng, gây tử vong trong vòng vài tuần do suy gan tối cấp. Nhiều trường hợp, bệnh tiến triển âm thầm sang viêm gan mạn và xơ gan.

Thống kê của Bộ Y tế, hơn 1.000 loại thuốc, hoá chất có khả năng gây độc cho gan. Các loại thuốc này được chia làm 2 nhóm chính.

- Nhóm 1: Các thuốc được chuyển hóa ở gan gây ngộ độc gan do sử dụng quá liều hoặc kéo dài. Các thuốc này làm tổn thương hệ thống khử độc của tế bào gan, do đó làm giảm sút khả năng thải độc ở gan và phá hủy tế bào gan. Viêm gan theo kiểu này thường xảy ra do 2 tình huống: Dùng thuốc quá liều lượng do cố tình (tự tử) hoặc do nhầm lẫn các loại thuốc ngủ loại phenobacbital, thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột...; bệnh nhân đang dùng thuốc để điều trị 1 bệnh mạn tính nào đó như các thuốc chống lao (pyrazinamid, rifamicin, rimifon), thuốc chống tăng huyết áp loại anphamethyldopa, thuốc cảm cúm loại paracetamol, các loại thuốc ngủ, chống viêm khớp, thuốc hạ mỡ máu, tiểu đường, viêm loét dạ dày... Bệnh nhân đang điều trị những bệnh này cần phải được theo dõi định kỳ và làm các xét nghiệm chức năng gan để phát hiện biến chứng viêm gan do thuốc.

- Nhóm 2: Dùng thuốc với liều lượng nhỏ, thậm chí rất ít vẫn gây viêm gan. Tổn thương gan gây ra do các loại thuốc này là do phản ứng quá mức của cơ thể với thuốc. Viêm gan theo kiểu này thường hay gặp ở những người có cơ địa dị ứng hoặc trong gia đình có nhiều người bị dị ứng. Trẻ em, phụ nữ thường bị tổn thương gan nhiều hơn là nam.

Qua khám và điều trị, các bác sĩ nhận thấy, phần lớn ý thức dùng thuốc của người dân còn rất kém. Mỗi khi bị bệnh, họ ngại đi khám mà chỉ ra nhà thuốc mua uống tạm. Căn cứ vào lời khai của bệnh nhân, nhiều nhà thuốc tự kê đơn, thậm chí thay thế thuốc không đúng hoạt chất hoặc nhầm lẫn tên thuốc. Ngoài ra, nhiều người dân dùng thuốc rất tùy tiện, khi ốm mới uống và khi hết bệnh là tự ngừng, hoặc giảm hoặc tăng liều.

Khi uống thuốc thấy hợp, lần sau lại tiếp tục mua đúng đơn đó về dùng hoặc mách cho người khác mua mà không cần tư vấn của bác sĩ. Hiện cũng có không ít bác sĩ lạm dụng kê đơn, cho quá nhiều thuốc không cần thiết...

Để gan không bị “vạ lây” từ thuốc

Viêm gan do thuốc là tình trạng các tế bào gan bị phá hủy do dùng 1 loại thuốc nào đó. Để hạn chế tình trạng tổn thương cho gan, trước tiên người bệnh phải thận trọng khi dùng bất kỳ loại thuốc gì, đọc kỹ hướng dẫn và phải tuân thủ theo chỉ định bác sĩ. Khi có biểu hiện khác thường trong lúc đang dùng thuốc phải thông báo ngay cho bác sĩ biết để đánh giá xem có phải do thuốc gây ra không. Khi dùng thuốc mà có biểu hiện chán ăn, sợ mỡ, nước tiểu sẫm màu, đau tức vùng gan thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra phát hiện và điều trị kịp thời.

Viêm gan do thuốc thường là cấp tính, ít khi là viêm mạn tính. Nếu ngừng thuốc gây viêm gan kết hợp với các thuốc bảo vệ tế bào gan và chế độ ăn uống hợp lý, có thể bệnh sẽ giảm dần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem