Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày nêu rõ: Ủy ban Đối ngoại nhất trí với kiến nghị cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một số quy định trong văn bản pháp luật trong nước nhằm nội luật hóa các nội dung của Công ước, trong đó tập trung vào các vấn đề sau:
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) các nội dung. Trong đó bổ sung tội danh tra tấn để phù hợp với định nghĩa tra tấn trong đó có hành vi tra tấn về tinh thần như quy định Công ước; Sửa đổi, bổ sung quy định về tội dùng nhục hình, tội bức cung và một số hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm con người có thể bị coi là tra tấn; Nghiên cứu bổ sung các quy định đánh giá thiệt hại về tinh thần để đảm bảo quyền được bồi thường của nạn nhân bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục theo quy định tại Công ước chống tra tấn.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về dẫn độ đối với tội phạm tra tấn trong Bộ luật tố tụng hình sự và Luật tương trợ tư pháp phù hợp với quy định tại Điều 8 Công ước chống tra tấn.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nhấn mạnh: Việt Nam không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước chống tra tấn; việc thực hiện các quy định của Công ước chống tra tấn sẽ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam, trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi có lại.
Việt Nam không coi Công ước chống tra tấn là cơ sở pháp lý trực tiếp về dẫn độ là quan điểm nhất quán của Việt Nam khi tham gia các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hình sự.
Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10.12.1984, có hiệu lực thi hành ngày 26.6.1987 và hiện có 155 quốc gia thành viên, 10 quốc gia đã ký nhưng chưa phê chuẩn Công ước, trong đó có Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.