Tại Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Thông tư Ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc tân dược thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vừa diễn ra ngày 21.12, báo cáo cho thấy hiện chi phí thuốc chiếm tỷ trọng rất lớn trong chi trả BHYT.
Bộ Y tế đề nghị cắt 221 thuốc khỏi danh mục thuốc BHYT thanh toán, trong đó có nhiều vitamin chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, hiệu quả không rõ ràng.
Cụ thể, từ năm 2010 đến 2016, tỉ lệ tiền thuốc cho KCB BHYT đã giảm từ 60% xuống còn 41% nhưng giá trị tuyệt đối thì vẫn tăng. Trong năm 2009 quỹ BHYT chi trả 9.300 tỷ đồng tiền thuốc cho KCB BHYT; năm 2013 tăng lên 20.00 tỷ đồng; đến 2015, số tiền này là 25.000 tỷ đồng và lên đến 31.000 tỷ đồng vào 2016.
Ông Tá Tỉnh, Trưởng Ban Dược - Vật tư y tế - BHXH VN cho biết, qua thống kê cho thấy chi phí cho các thuốc hỗ trợ điều trị khá lớn: chỉ với 11 thuốc hỗ trợ điều trị được các bác sĩ kê đơn tiền thuốc đã chiếm đến 0,6% trong tổng số 31.000 tỷ đồng tiền thuốc cho điều trị khám chữa bệnh BHYT. Ví dụ như tiền chi phí cho các loại vitamin, khoáng chất đứng thứ 13 trong danh sách mặt hàng chi trả nhiều nhất năm 2016, cao hơn cả chi phí cho máu và các chế phẩm máu.
Các thuốc cắt giảm là các loại thuốc chỉ có tác hỗ trợ điều trị, chi phí lớn, hiệu quả điều trị không rõ ràng.
Trong số trên 615 tỉ quỹ đã dành mua vitamin, có gần 140 tỷ tiền vitamin dạng phối hợp B1, B6, B12, gần 40 tỉ vitamin C, gần 45 tỉ dạng phối hợp vitamin B6 và magnesi, gần 20 tỉ dạng phối hợp vitamin A và D…
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, việc kê đơn lựa chọn thuốc đáp ứng yêu cầu điều trị và có giá phù hợp khả năng chi trả là giải pháp quan trọng để kiểm soát chi phí tiền thuốc chữa bệnh cho quỹ BHYT.
Theo Dự thảo Thông tư Ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc tân dược thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đề xuất cắt giảm đến 221 thuốc khỏi danh mục thuốc BHYT thanh toán, trong đó nhiều loại là các thuốc chỉ có tác hỗ trợ điều trị, chi phí lớn, hiệu quả điều trị không rõ ràng. Bộ Y tế cũng đưa ra đề xuất thu hẹp hạng bệnh viện được sử dụng đối với 12 thuốc; đề xuất mở rộng hạng bệnh viện được sử dụng với 34 thuốc.
Riêng với các thuốc điều trị ung thư như thuốc phóng xa, đồng vị phóng xạ và hợp chất đánh dấu sẽ bổ sung mới 2 thuốc và các thuốc này không phải sử dụng theo hạng bệnh viện như hiện hành mà được chỉ định tại tất cả các bệnh viện chuyên khoa, trung tâm ung bướu; trong các đơn vị điều trị ung bướu của bệnh viện đa khoa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.