Chính phủ đề nghị Quốc hội cho kết thúc dự án trên để chuyển sang Kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011-2020.
Dân chưa sống được bằng nghề rừng
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, sau 13 năm thực hiện dự án, đến nay cả nước đã giao khoán được gần 10 triệu trên tổng số 16,2 triệu ha đất lâm nghiệp theo quy hoạch. Đến năm 2010 đã có gần 1,25 triệu hộ gia đình với 4,65 triệu lao động tham gia dự án, trong đó có gần 485.000 hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao có việc làm.
|
Theo đánh giá của Chính phủ, đời sống của những người dân làm nghề rừng còn nhiều khó khăn. |
Cũng theo báo cáo, tổng số vốn huy động cho dự án là 31.858 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư là 7.281 tỷ đồng (chiếm 22,9%), vốn nước ngoài 3.312,4 tỷ đồng (10,3%)…
Mặc dù dự án đem lại nhiều kết quả lớn, song ông Phát cũng thừa nhận: “Đời sống của những người làm nghề rừng còn nhiều khó khăn, người dân chưa thực sự sống được bằng nghề rừng”.
Một số hạn chế còn tồn tại khi thực hiện dự án là độ che phủ rừng còn thấp so với yêu cầu phải đạt (trên 40%), vẫn còn trên 2,8 triệu ha đất trống, đồi núi trọc. Việc chặt phá, khai thác rừng trái phép xảy ra ở nhiều địa phương. Hiện nguyên liệu cho chế biến gỗ xuất khẩu vẫn phải nhập tới 80% từ nước ngoài…
Với những kết quả, hạn chế của dự án sau 13 năm thực hiện, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho phép kết thúc Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng và giao Chính phủ phê duyệt, tổ chức thực hiện “Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020” với mục tiêu tăng độ che phủ rừng lên 42-43% vào năm 2015 và 44-45% vào năm 2020.
Nhận xét về báo cáo Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải kiểm chứng lại con số báo cáo về độ che phủ của rừng là 39,5%, vì ở nhiều nơi diện tích rừng giảm xuống từ khi thực hiện, như tại Đăk Lăk giảm 6,6%, Bình Phước giảm 10,6%...
Đại biểu Ksor Phước (Gia Lai) cho rằng: “Báo cáo thì vậy, nhưng thực tế nhiều nơi người dân vẫn không thể sống được từ rừng, bởi do địa phương bố trí rừng sản xuất với tỷ lệ chưa tương xứng trong khi cần tăng tỷ lệ này để khuyến khích người dân trồng rừng và thu lợi từ rừng”.
Cho nước ngoài thuê rừng rẻ bèo
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và môi trường (KHCNMT) của Quốc hội cho rằng, kết quả đạt được của dự án là rất thấp. Việc triển khai dự án chưa bám sát Nghị quyết của Quốc hội, trong khi Nghị quyết đề ra mục tiêu là trồng mới 5 triệu ha, nhưng đã được điều chỉnh chỉ trồng mới 3 triệu ha.
Đồng thời, Ủy ban KHCNMT cũng chỉ rõ một số hạn chế của dự án, đó là việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp còn thấp, chỉ chiếm 61% là chưa tương xứng với tiềm năng. Vốn tín dụng cho trồng rừng sản xuất còn chậm, cơ chế cho vay vốn tín dụng còn bất cập.
Đặc biệt, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT Nguyễn Vinh Hà: “Việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài còn có một số vấn đề bất cập, gây bức xúc trong dư luận. Tổng diện tích đất đã cấp giấy chứng nhận cho nhà đầu tư nước ngoài thuê để trồng rừng là gần 289.000ha với giá cho thuê quá thấp, bình quân khoảng… 180.000 đồng/ha, trong khi người dân địa phương vẫn có nhu cầu nhận đất để trồng rừng”.
Mục tiêu của dự án là đến năm 2010, các địa phương phải trồng được 2 triệu ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, 3 triệu ha rừng sản xuất nhưng cần xem lại tỷ lệ này vì phải tính đến lợi ích kinh tế xã hội của rừng. Đây cũng là điều mà mục tiêu giai đoạn 2011 - 2020 chưa đặt ra cụ thể.
Đại biểu Ksor Phước (Gia Lai)Nguy hiểm hơn, một số địa phương còn để xảy ra tình trạng cấp giấy chứng nhận đầu tư rừng ở những địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư trên ngay cả diện tích đất rừng đã giao cho hộ gia đình quản lý.
Một mục tiêu quan trọng của dự án là độ che phủ rừng cũng chưa đạt mục tiêu, có một số địa phương, độ che phủ rừng chỉ chiếm trên dưới 2% như Bạc Liêu (1,6%), Đồng Tháp (2,2%). Tình trạng chặt, phá rừng, chống người thi hành công vụ diễn ra ngày càng nghiêm trọng, phức tạp.
Đồng tình với đề xuất của Chính phủ, Ủy ban KHCNMT cũng kiến nghị với Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết thúc thực hiện Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998-2010. Cho phép Chính phủ trong giai đoạn 2011-2020 triển khai thực hiện “Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng” theo cơ chế là Chương trình mục tiêu quốc gia.
Lê Hân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.