Theo đó, nội dung góp ý chủ yếu tập trung vào những vấn đề phòng, chống dịch lây lan, như: cấm nguồn heo từ các tỉnh đã xuất hiện dịch vào Đồng Nai; Nhà nước nên quản lý, kiểm nghiệm tất cả các sản phẩm nhập khẩu bột xương, thịt từ phế, phụ phẩm của con heo, thậm chí cấm nhập khẩu sản phẩm này từ các nước có dịch.
Các trang trại đều ráo riết ứng dụng các biện pháp an toàn sinh học để phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Trong ảnh: Trang trại heo tại huyện Cẩm Mỹ (Ảnh: TL)
Đối với vấn đề hỗ trợ khi có dịch xảy ra, người chăn nuôi cho rằng, nhà nước nên đưa ra giải pháp về mức hỗ trợ chung tính theo từng đầu heo, như: heo con, heo nái, heo thịt; việc nhận hỗ trợ cần kịp thời, đơn giản, để người chăn nuôi mạnh dạn báo dịch. Cần công bố cụ thể thời gian được nhận hỗ trợ, đồng thời xử phạt thật nặng trường hợp giấu dịch, bán heo bệnh ra thị trường.
Người chăn nuôi cũng cho rằng, nên chọn giải pháp tiêu hủy heo bệnh bằng phương pháp đốt, vì chôn heo bệnh có nhiều rủi ro, ảnh hưởng lâu dài về sau trong vấn đề tái đàn.
Về góc độ địa phương, người chăn nuôi cũng mong tỉnh lập thêm các chốt kiểm dịch và kiên quyết ngăn chặn heo bệnh đi qua địa bàn tỉnh. Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi và người dân trong việc nâng cao ý thức phòng, chống dịch, cũng như không hiểu sai về dịch bệnh này dẫn đến tẩy chay thịt heo, gây khó khăn cho ngành chăn nuôi. Đồng Nai hiện còn quá nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ, nên cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là nạn giết mổ lậu là một kênh chính tiêu thụ nguồn heo dịch bệnh.
Bình Nguyên (Báo Đồng Nai)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.