Để VietGAP thực chất hơn

Thứ tư, ngày 01/06/2011 10:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ lâu chúng ta đã vận động sản xuất rau quả an toàn (GAP) và cách đây 3 năm là cuộc “ra quân” sản xuất rau quả VietGAP thay cho rau quả an toàn.
Bình luận 0

Tuy nhiên, cho đến nay trong cả nước số lượng đơn vị sản xuất được cấp chứng chỉ VietGAP tương đối thấp. Trong đó, rất ít những đơn vị tiếp tục duy trì sản xuất theo GAP và được tái cấp chứng chỉ VietGAP.

Như vậy, ta đã phát động phong trào rộng lớn sản xuất rau quả an toàn, nhưng chất lượng còn thấp. Có thể nêu một số nguyên nhân cơ bản sau đây:

img

Chưa có cơ chế khuyến khích khiến sản phẩm VietGAP vẫn hạn chế ngay cả ở kênh siêu thị.

Trước hết, nhận thức của lãnh đạo các địa phương còn khác nhau. Trong đó, có nơi cho rằng vận động rau quả an toàn dễ dàng nên tổ chức hàng loạt, làm theo kiểu phong trào, có nơi làm theo kiểu bắt buộc. Trong khi thực chất của sản xuất rau quả an toàn phải tuân theo cơ chế thị trường.

Kế đến, số lượng cán bộ hướng dẫn và kiểm tra chứng chỉ VietGAP rất thiếu và yếu.

Cuối cùng là thị trường tiêu thụ rau quả trong nước còn quá dễ tính, rau quả có độ an toàn như thế nào cũng tiêu thụ được. Thị trường xuất khẩu rộng lớn Trung Quốc cũng dễ tính không kém thị trường trong nước.

Vì vậy, nhiều đơn vị được nhận chứng chỉ VietGAP một cách hình thức, và người sản xuất cũng không thiết tha tái cấp chứng chỉ vì sợ tốn kém.

Để VietGAP thực sự có hiệu quả, theo tôi có mấy giải pháp cần tập trung.

Thứ nhất, cần tổ chức kiểm tra toàn bộ các đơn vị sản xuất đã được cấp chứng chỉ VietGAP để rút kinh nghiệm, tìm hiểu tâm tư, sự tính toán của người sản xuất, đánh giá đúng hiệu quả của cuộc vận động VietGAP.

Thứ hai, cần bổ sung, sửa đổi các nội dung quy định của VietGAP cho đơn giản, thiết thực, nông dân dễ thực hiện hơn.

Thứ ba, củng cố lại đội ngũ hướng dẫn và kiểm tra cấp chứng chỉ VietGAP cũng như có chính sách hỗ trợ cho họ.

Thứ tư, tổ chức các siêu thị trong cả nước thực sự thành thị trường VietGAP. Phải có những quy định của Nhà nước, siêu thị chỉ được mua bán rau quả an toàn. Đây là khâu rất quan trọng, vì có như vậy mới có được thị trường rau quả an toàn rõ rệt, không lẫn lộn với thị trường rau quả thông thường. Siêu thị sẽ tổ chức liên kết với nông dân sản xuất rau quả có chất lượng VietGAP. Khi đó mới có đầu ra cho rau quả an toàn.

Cuối cùng, Bộ NNPTNT nên có tổ chức chuyên lo cho sản xuất rau quả an toàn VietGAP.

Tóm lại, Tổ chức VietGAP phải rút kinh nghiệm tổ chức lại tốt hơn từ sản xuất nông nghiệp tốt đến thị trường phân biệt cho sản phẩm có chất lượng an toàn. Cũng có người thấy khó quá nên chủ trương chỉ làm theo VietGAP là chính, còn thị trường thì cứ để nguyên như hiện nay. Nếu cứ như vậy sẽ không bao giờ có rau quả an toàn, và ô nhiễm trong sản xuất và sản phẩm nông nghiệp luôn là vấn nạn quá nặng nề.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem