Đề xuất 3 phương án đầu tư dự án sân bay Long Thành

Thế Anh Thứ tư, ngày 31/07/2019 16:02 PM (GMT+7)
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa gửi tới Thủ tướng và Hội đồng Thẩm định Nhà nước báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành. Trong đó, đề xuất 3 phương án đầu tư.
Bình luận 0

Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào khâu làm thủ tục hành khách, xuất nhập cảnh để hỗ trợ việc nhận dạng, danh tính thông qua dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt, dấu vân tay...), giúp thủ tục được nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, nhận diện hành khách trong danh sách cấm bay, đưa ra cảnh báo kịp thời cho lực lượng an ninh.

Thông qua việc phân tích dữ liệu thu nhận từ hệ thống truyền hình mạch kín, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ giúp dự đoán chuyển động của từng hành khách, tính toán đưa ra thông tin nhằm tối ưu hóa luồng khách hoặc phân bổ nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của hành khách tại nhà ga.

img

Phối cảnh dự án sân bay Long Thành.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giai đoạn 1 (với mục tiêu khắc phục tình trạng quá tải của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất) có tổng mức đầu tư gần 112.000 tỉ đồng (tương đương 4,8 tỉ USD).

Hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất được đánh giá là “nút thắt” của ngành hàng không, do đó việc nâng cấp Tân Sơn Nhất là cấp thiết. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Ngoài ra, tư vấn đề xuất 3 phương án đầu tư sân bay Long Thành gồm: Phương án 1 là đầu tư theo định hướng tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Nhà đầu tư khai thác sân bay đầu tư, có sử dụng vốn vay ODA.

Phương án 2 là giao ACV trực tiếp đầu tư, khai thác, không sử dụng vốn vay ODA, hình thức đầu tư là đầu tư trực tiếp bằng vốn doanh nghiệp.

Phương án 3 là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khai thác, không sử dụng vốn vay ODA, hình thức đầu tư là PPP, loại hợp đồng BOT.

Về phương án giao ACV trực tiếp đầu tư sân bay Long Thành, tư vấn lập dự án nhận định sẽ không làm tăng nợ công của Nhà nước do không sử dụng vốn ODA. Dự kiến ACV sẽ phải huy động vốn vay trên thị trường vốn quốc tế với điều kiện vay dự kiến bằng USD trong thời gian 20 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất khoảng 6%/năm.

Để đảm bảo khả năng trả nợ, yêu cầu tỉ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư là 33,4% tổng số đầu tư của ACV (4,225 tỉ USD), tương đương 1,411 tỉ USD.

Theo lãnh đạo ACV, hiện đơn vị hết sức tự tin trong việc đảm bảo khả năng cân đối được từ 40-45% tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của sân bay Long Thành. ACV chỉ vay 60% tổng mức đầu tư, là một trong những lợi thế so với các dự án BOT giao thông hiện nay phải vay 80-90% tổng mức đầu tư.

Trong phương án đầu tư của ACV, Nhà nước không phải bỏ bất kỳ đồng vốn ngân sách nào để xây hệ thống kết cấu hạ tầng sân bay nên không làm tăng nợ công.

Thông tin về dự án Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng của quốc gia, có tiến độ yêu cầu hoàn thành rất khẩn trương để có thể khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành trong năm 2025 như nghị quyết Quốc hội. Đồng thời, Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, chấp thuận phương án và hình thức đầu tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem