Đề xuất bỏ 31 phí kiểm dịch gia cầm: Làm sao vẹn cả đôi đường?

Thanh Xuân Thứ ba, ngày 23/06/2015 09:02 AM (GMT+7)
Việc Bộ NNPTNT đề xuất bỏ 31 phí, lệ phí kiểm dịch liên quan đến gia cầm đang được nhiều nông dân, doanh nghiệp (DN) ủng hộ. Nhưng ở góc độ ngược lại, theo thú y cơ sở, việc bãi bỏ các phí này có thể dẫn tới mất nguồn thu, từ đó không có kinh phí hoạt động...
Bình luận 0

Thú y bị tố lạm quyền

Ông Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Alpha (Hưng Yên), chủ trang trại chăn nuôi đã được Cục Chăn nuôi cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh chia sẻ: “Sau khi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, mỗi khi xuất bán 1 lứa lợn phải mất khoảng 3.000 đồng/con, 15.000 đồng/giấy kiểm dịch cho một xe lợn khoảng 100 con, cộng phí kẹp trì, phí bấm tai… thì trung bình mỗi xe lợn mất khoảng 350.000 – 500.000 đồng. “Nếu xét ở góc độ người chăn nuôi, hiện phí kiểm dịch không phải là vấn đề lớn, song khó khăn của DN là thủ tục rườm rà, phí chồng phí” - ông Hà nói.

img
Cán bộ kiểm dịch Chi cục Thú y Đăk Nông phun tiêu độc khử trùng phương tiện.   Ảnh:  Hùng Thị Hòa
Ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, quan điểm của Hiệp hội là ủng hộ đề xuất của Bộ NNPTNT bỏ 31 phí kiểm dịch, đặc biệt là bỏ những cái tiêu cực, thu phí không đúng để từ đó gỡ khó cho DN và người dân. Theo ông Lịch, nhiều năm qua việc thu phí kiểm dịch thú y đã diễn ra một cách vô tội vạ, cái gì cũng “đè” ra để kiểm dịch. “Việc mang danh kiểm dịch để thu phí là không thể chấp nhận được, điều quan trọng là phải tạo điều kiện thông thoáng cho DN hoạt động, mà vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch, chứ không phải vì thu phí thì mới kiểm soát được dịch bệnh”- ông Lịch nói.

Giám đốc một cơ sở sản xuất và kinh doanh gà giống trên địa bàn 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang cũng cho rằng, từ nhiều năm qua các cơ quan thú y cứ mang danh kiểm dịch ra để thu phí của DN với nhiều khoản thu, cũng như đòi hỏi rất vô lý. “Tôi ví dụ, một xe chở gà của chúng tôi lưu thông trên đường, nếu có kiểm tra về mặt hóa đơn, chứng từ thế nào thì phải do quản lý thị trường yêu cầu, nhưng nhiều khi bên thú y cũng đòi chúng tôi phải xuất trình hóa đơn, chứng từ là vô lý, là lạm quyền” - vị giám đốc nói.

Lo mất thu bù chi?

Quan điểm

Ông Ninh Văn Hiển
  Đã là cán bộ, hưởng lương ngân sách thì phải hoàn thành nhiệm vụ, nhưng hiện lực lượng làm việc trực tiếp của ngành thú y còn quá mỏng, nếu bỏ các khoản phí chắc chắn hoạt động của thú y cơ sở sẽ gặp khó khăn, nhất là công tác kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm đòi hỏi lực lượng rất lớn đi kèm với các trang thiết bị cũng cần được tiếp tục đầu tư nâng cấp. 
Trong khi người dân, các DN đang rất ủng hộ chủ trương bỏ 31phí kiểm dịch gia cầm, thì các cơ quan thú y lại tỏ ra... lo lắng. Ông Đỗ Phú Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, hiện ngành thú y Hà Nội đã xây dựng được mỗi xã, phường 1 cán bộ thú y với số lượng khoảng 500 cán bộ. Tuy nhiên, công việc của ngành thú y có rất nhiều hạng mục, từ kiểm soát giết mổ, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, đảm bảo an toàn thực phẩm… Vì vậy, số lượng cán bộ thú y đang hưởng lương công chức không đủ để đảm bảo công việc, mà phải tuyển dụng thêm các cán bộ hợp đồng. “Trong khi Nhà nước chưa có đủ kinh phí để giúp bộ máy thú y cơ sở hoạt động, ngành thú y vẫn sử dụng nguồn thu từ các phí, lệ phí để lấy thu bù chi cho các hoạt động, nếu cắt các loại phí kiểm dịch chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động trong lĩnh vực thú y” - ông Sơn nói.

 

Ông Ninh Văn Hiển – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nam Định cũng cho rằng, hiện Nhà nước chưa đủ kinh phí để đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị và trả lương cho bộ máy của ngành thú y cơ sở nên vẫn phải sử dụng các khoản thu từ phí và lệ phí để bù chi. Trong Thông tư 04 có nêu các quy định thu các loại phí kiểm dịch với mục đích xã hội hoá công tác thú y, tức là sử dụng kinh phí của DN và người dân đóng góp cho hoạt động kiểm soát lĩnh vực thú y được tốt hơn. Do đó, nếu bãi bỏ tới 31 phí thì chắc chắn hoạt động của ngành thú y cơ sở sẽ rất khó khăn.

Trung bình mỗi năm nguồn thu từ nhiều nguồn khác nhau của thú y Đồng Nai khoảng 30 tỷ đồng, nhưng khoản thu này được cấp bù cho việc chi phí hoạt động bộ máy thú y cơ sở. Ông Trần Văn Quang – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho hay, hiện Đồng Nai chỉ có 34 cán bộ công chức thú y, 300 viên chức và hợp đồng cùng với 149 cộng tác viên thú y. “Nếu cắt giảm các khoản phí mà Nhà nước lại không có chính sách sử dụng ngân sách cấp bù cho hoạt động của thú y cơ sở thì chỉ còn lại 34 cán bộ công chức, coi như là tê liệt hoạt động thú y” - ông Quang nói. Cũng theo ông Quang, nếu cắt giảm hết các loại phí, trong đó có phí kiểm dịch nội tỉnh, vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm sẽ phải tính toán lại.

Như vậy, qua lắng nghe ý kiến nhiều phía, NTNN cho rằng, việc Bộ NNPTNT đề xuất bãi bỏ 31 loại phí kiểm dịch trên gia cầm là hoàn toàn đúng đắn, đang rất được dư luận hoan nghênh, ủng hộ. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt, nên chăng để việc bãi bỏ này không ảnh hưởng đến hoạt động của ngành thú y, có lẽ Bộ NNPTNT cần có các giải pháp hỗ trợ ngành này kịp thời để họ làm tốt việc kiểm dịch, cũng là bảo vệ người nông dân, người tiêu dùng. Làm được vậy, có lẽ sẽ “vẹn cả hai đường”...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem