Một quả trứng năm lần đóng phí: Đủ kiểu “làm luật” quả trứng

Thứ ba, ngày 10/07/2012 06:18 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại các tỉnh miền Bắc, mỗi quả trứng gia cầm đến tay người tiêu dùng không chỉ dừng ở năm loại phí mà còn phải chịu thêm nhiều loại phí... “không giấy tờ” khác.
Bình luận 0

Ngoài các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM, theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, tại các tỉnh miền Bắc dù đã phải chịu nhiều loại phí, nhưng mỗi quả trứng gia cầm ở đây còn phải chịu thêm nhiều loại phí “không giấy tờ” khác. Như vậy, một quả trứng đến tay người tiêu dùng, không chỉ dừng ở 5 loại phí.

Trăm thứ chi phí

Là người làm nghề buôn trứng gia cầm ngót chục năm nay, chị Đào Thị Tươi, ở thôn Yên Phú, xã Văn Phú (Phú Xuyên) nói: “Theo quy định, nếu có giấy kiểm dịch, tiêm phòng của các hộ chăn nuôi chứng minh nguồn gốc rõ ràng, thì khi đi qua trạm kiểm dịch không mất phí. Nhưng cán bộ kiểm dịch ở Phú Xuyên bảo giấy này không được, đòi giấy của TP. Hà Nội cấp mới được và bắt nộp phạt. Tôi chở có vài chục quả trứng vịt, lãi được vài chục nghìn mà phải như vậy thì còn đâu lãi, nhưng nhiều hôm hẹn với khách cũng đành cắn răng nộp cho họ, khi thì 50.000 đồng hoặc 100.000 đồng”.

img
Các điểm thu mua gia cầm tại Phú Xuyên (Hà Nội).

Ông Nguyễn Văn Mầm, thôn Thượng Yên, xã Phú Yên (Phú Xuyên – Hà Nội), một chủ lò ấp với công suất 8 -10 vạn quả trứng mỗi tháng cho biết: “Lò ấp của tôi đang thực hiện 2 phương án là vừa nhập trứng về ấp, vừa cho các chủ trang trại thuê ấp trứng. Tuy tôi không bị mất phí kiểm dịch, nhưng các thương lái khi vận chuyển con giống từ lò ấp của tôi ra sẽ phải mất. Cũng vì thế, đôi khi khách hàng đòi hạ giá của mình xuống để bù vào phí”.

“Cả phí kiểm dịch và quy trình kiểm dịch hiện nay đều có vấn đề. Rõ ràng, các chốt kiểm dịch của mỗi địa phương nếu làm tốt thì chẳng có con gia cầm lậu nào vào được nước ta. Kiểm dịch như hiện nay là chưa công bằng xã hội và người làm nghiêm túc phải chịu phí cao hơn”.

Lý giải về vấn đề này, ông Lê Ngọc Anh – Tổ trưởng Tổ đăng ký kiểm dịch, của Trạm Thú y Phú Xuyên (xã Đại Xuyên) cho biết: Toàn huyện Phú Xuyên có khoảng 100 hộ làm nghề ấp gà, vịt, ngan giống và trứng vịt lộn được Trạm Thú y cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ấp nở gà, vịt.

Thường để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ấp nở gà, vịt giống, cơ sở đó phải đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh thú y, dịch bệnh. Khi cấp giấy cơ sở sẽ được trạm phát 1 cuốn sổ để ghi theo dõi số lượng trứng ấp, nguồn gốc trứng và khi ấp nở, cơ sở muốn xuất bán phải đến đăng ký với Trạm trước 3 ngày. Sau đó chúng tôi sẽ cho cán bộ xuống kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì cho xuất, phí đăng ký là 30.000 đồng/lần, lệ phí xuất 5,5 đồng/con gà, vịt”.

Kiểm dịch… không giấy tờ

Theo quan sát của chúng tôi tại một điểm kiểm dịch trên địa bàn Hà Nội, khi những thương lái chở gà đi qua, cán bộ thú y thường dùng bình xịt vào các lồng gà và cầm 10.000 đồng đối với một xe máy; 40.000 đồng với xe ô tô là các thương lái cứ thế đi tiếp.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên NTNN, một số hộ làm nghề ấp gà, vịt ở Phú Xuyên cho biết, khoản phí mà họ phải đóng nhiều và cao hơn quy định rất nhiều.

Chị Nguyễn Thị Hà, một người chuyên đi thu mua trứng ở xóm Mới, xã Đại Xuyên cho biết: “Ngoài các khoản theo quy định, mỗi con gà, vịt xuất đi mất ít nhất 200 đồng phí kiểm dịch, mà đáng lẽ như quy định chỉ có 5,5 đồng/con, nhưng chúng tôi chẳng biết kêu ai”.

Là một trung tâm sản xuất trứng nổi tiếng, nhưng TS Nguyễn Đức Trọng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi Quốc gia) cũng rất bức xúc về các loại phí kiểm dịch trứng gia cầm hiện nay. Ông Trọng cho biết: “Hiện ở Phú Xuyên, thực tế mới chỉ kiểm dịch được 15 – 20% lượng trứng tiêu thụ, còn lại là làm chui, nên người thực hiện đúng luật đang phải chịu thiệt”.

Ông Nguyễn Văn Tuyến, ở xã Văn Phú (Phú Xuyên, Hà Nội) đang nuôi hơn 2.000 vịt đẻ, trung bình, mỗi tháng gia đình ông phải đóng từ 650.000 – 800.000 đồng phí kiểm dịch, bao gồm phí lấy mẫu máu, phí tiêm các loại bệnh như cúm, tiêu chảy, gan… Ông bức xúc cho biết: “Khổ lắm các anh ạ, không đóng phí không được, họ hạch đủ đường. Làm cái nghề chăn nuôi này đã khổ lắm rồi, vậy mà họ vẫn còn “ăn” vào mình mới đau”.

Ông Trọng tiết lộ: “Nhiệm vụ của chốt kiểm dịch là kiểm tra giấy tờ, rồi phun khử trùng cho người dân, nhưng ở Phú Xuyên hầu như họ chỉ phun thuốc và thu tiền, chứ không kiểm tra giấy tờ, do đó hàng lậu, hàng không kiểm dịch tuồn ra thị trường rất nhiều”.

Ông Trọng nhẩm tính, nếu vận chuyển trứng gà đi từ Hà Nội vào tới Quảng Bình, cứ tính “lệ phí” mỗi chỗ 10.000 đồng như thế, thì chắc chắn tính vào phí kiểm dịch sẽ lên tới 200 đồng/quả.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Phùng Văn Tảo – Trạm trưởng Trạm Thú y Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết: “Theo thông tư 04, lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch ngoại tỉnh là 30.000 đồng/lần và nội tỉnh là 5.000 đồng. Phí kiểm dịch đối với trứng giống, trứng đã ấp (trứng lộn) là 5,5 đồng/quả, trứng thương phẩm là 4,5 đồng/quả...

Ngoài ra, thông tư cũng quy định phí tiêu độc trong công tác kiểm dịch là 40.000 đồng/lần/xe ô tô và 10.000 đồng/lần/các loại xe khác cộng thêm phí dán tem là 500 đồng/tem, nhưng hiện tại địa bàn huyện Phú Xuyên đang hỗ trợ nên không thu 3 loại phí này (thực tế vẫn thu, nhưng không có giấy tờ- PV).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem