Đề xuất bổ sung thêm trái phiếu Chính phủ là không có

Thứ bảy, ngày 08/06/2013 15:59 PM (GMT+7)
Dân Việt - "Chúng ta vẫn đang chỉ sử dụng 225.000 tỷ đồng trái phiếu trong vòng 5 năm (2011-2015) dùng để xây dựng các dự án, công trình. Đến thời điểm này, đề xuất bổ sung thêm trái phiếu Chính phủ là không có".
Bình luận 0

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên đã chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 7.6.

Thưa ông, chúng ta đã phát hành trái phiếu Chính phủ trung hạn. Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều công trình mới phát sinh rất cần thêm nguồn trái phiếu. Vậy nguồn trái phiếu của Nhà nước đã phát hành có đảm bảo cung ứng cho các công trình mới không?

- Tôi khẳng định là đến nay, chúng ta chưa phát hành thêm trái phiếu Chính phủ. Chúng ta vẫn đang chỉ sử dụng 225.000 tỷ đồng trái phiếu trong vòng 5 năm (2011-2015) dùng để xây dựng các dự án, công trình. Đến thời điểm này, đề xuất bổ sung thêm trái phiếu Chính phủ là không có.

Như nhiều ĐBQH đề cập là có địa phương luôn phản ánh thiếu vốn để xây dựng dự án dẫn đến nhiều công trình phải xây dựng dàn trải, dở dang, chắp vá. Do đó, phải mất nhiều năm mới hoàn thiện xong. Điều này ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân. Vậy theo ông, tại sao lại có tình trạng trên và giải pháp khắc phục là gì?

- Việt Nam là nước nghèo nhưng nhiều địa phương có quan điểm là cái gì cũng muốn đầu tư. Vì thế mới có chuyện, có công trình bị xây dự dở dang, chắp vá và một số công trình chưa xây xong đã hư hỏng. Theo tôi, để khắc phục tình trạng trên thì địa phương phải biết cân đối nguồn ngân sách được cấp để đầu tư những dự án hiệu quả nhất phục vụ nhân dân, tránh cái gì cũng muốn làm và khi thực hiện thì lại kêu vì thiếu kinh phí.

Như vậy, có phải sự điều hành và phân quyền trái phiếu Chính phủ đã tác động lớn đến tiến độ xây dựng các dự án không, thưa ông?

- Việc phát hành trái phiếu có một bất cập lớn là vốn do Chính phủ phải lo, nhưng tổng mức đầu tư công trình dự án lại do địa phương quyết định. Điều này cho thấy, sự phân quyền trong hệ thống tổ chức hành chính, phân giao bộ máy Nhà nước chưa chuẩn. Điều này đã dẫn tới hệ quả là tình trạng đầu tư dàn trải trong nhiều năm nay và rất khó khắc phục.

Như báo cáo của Uỷ ban Văn hoá-Giáo dục-Thanh Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, nhiều dự án có tổng mức đầu tư tăng gấp 9 lần. Tuy nhiên, theo luật, nếu tổng mức đầu tư của dự án tăng trên 15% thì địa phương phải xem xét lại dự án đó. Thế nhưng, địa phương lại có thẩm quyền trong việc phê duyệt dự án nên rất khó quy trách nhiệm cho ai.

Theo ông, để giải quyết sự mâu thuẫn trên thì vai trò điều hành của Quốc hội điều hành như thế nào?

- Theo tôi, Quốc hội chỉ nên phê duyệt tổng vốn trái phiếu Chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Như vậy, Quốc hội sẽ giao cho Chính phủ quyền điều hành số tiền chỉ có vậy thì phải làm sao đầu tư các dự án có hiệu quả cao nhất.

Chính phủ sẽ phân vốn hàng năm cho các địa phương để xây dựng các dự án, công trình. Địa phương phải chọn lọc dự án đầu tư và phải chịu trách nhiệm với số vốn đã được phân cấp để xây dựng dự án; đồng thời phải có báo cáo với Chính phủ tiến trình thực hiện như thế nào.

Thông qua, kết quả giám sát “Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 – 2012, Quốc hội sẽ thấy rõ những bất cập trong sự phân quyền trong hệ thống hành chính Nhà nước để có hướng khắc phục và điều chỉnh. Khi có sự điều chỉnh rồi thì chúng ta mới quy định được trách nhiệm giữa các Bộ, ngành và địa phương.

Xin cảm ơn ông!

Bạn đọc đóng góp, hiến kế cải tiến Dân Việt

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem