Đề xuất bỏ thi THPT: Phó trưởng đoàn ĐBQH Đồng Tháp nói gì?

Lương Kết Thứ ba, ngày 21/05/2019 09:41 AM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Đồng Tháp cho hay, ông thống nhất quy định vẫn có thi THPT nhưng cần có khoản giao Chính phủ nghiên cứu để thời gian sau tuỳ thực tế mà có thể bỏ thi THPT, chỉ cấp bằng THPT có điều kiện cụ thể để giảm chi ngân sách nhà nước.
Bình luận 0

img

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp -ảnh quochoi.vn).

Sáng nay (21/5), Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), ngay từ đầu giờ sáng đã có 38 ĐBQH đăng ký phát biểu.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là: Một số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học; có ý kiến đề nghị vẫn giữ kỳ tốt nghiệp THPT và giao các địa phương thực hiện.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, đồng thời tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên, tự học của người dân trong tương lai. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tiếp tục việc học ở nước ngoài.

Theo đó, để linh hoạt cho Chính phủ trong tổ chức thực hiện thi tốt nghiệp THPT, Dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình THPT thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi. Việc tuyển sinh cao đẳng, đại học của các cơ sở giáo dục được thực hiện theo cơ chế tự chủ quy định bởi Luật Giáo dục Đại học và Giáo dục Nghề nghiệp.

Góp ý vào vấn đề, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua tổ chức thi “2 trong 1” THPT xảy ra nhiều tiêu cực, được dư luận quan tâm. Thi thì kết quả đậu rất cao, có địa phương đạt 99%. Theo ĐB Hòa, việc thi có trúng trượt nhưng cách vừa qua xem có hợp lý hay không, bởi học sinh thi đậu gần hết.

“Tôi thống nhất quy định vẫn có thi THPT nhưng cần có khoản giao Chính phủ nghiên cứu, thời gian sau tuỳ thực tế mà có thể bỏ thi THPT, chỉ cấp bằng THPT có điều kiện cụ thể để giảm chi ngân sách nhà nước. Bởi vì kỳ thi rất tốn kém mà nên tổ chức thi tuyển sinh ĐH như trước kia để tuyển học sinh có năng lực khá giỏi tham gia, học lực trung bình thì có thể học nghề, lao động  theo sở thích theo năng lực, từ đó chất lượng đầu vào đại học nâng lên, tiết kiệm cho gia đình và xã hội”, ĐB Phạm Văn Hòa nói.

Ở góc độ khác, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, dự luật nêu vấn đề xuất bản SGK theo quy định của pháp luật, cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhưng quy định đó là gì thì không rõ. “Đây là hạn chế có thể dẫn đến loạn sách giáo khoa, mỗi trường một kiểu, mạnh ai nấy làm, học một đường thi một nẻo”, ĐB Tạo nói.

Cũng đề cập tới vấn đề SGK, ĐB Phạm Văn Hòa cho biết, SGK thực hiện xã hội hoá biên soạn là cần thiết, nhưng cần làm rõ SGK phải được sử dụng ổn định lâu dài chứ không phải mỗi năm lại thay sách khác, gây lãng phí.

“Sách tham khảo do giáo viên bộ môn lựa chọn nhưng quy định cụ thể rõ ràng để phòng ngừa giáo viên lợi dụng sách tham khảo để học thêm, dạy thêm, nếu học sinh không học thì không biết làm bài kiểm tra trên lớp, gây bức xúc trong phụ huynh. Tránh thiếu sách cục bộ gây khó cho phụ huynh, học sinh”, ĐB Hòa nói.

Ông góp ý thêm, việc thành lập hội đồng thẩm định quốc gia chương trình SGK nên cân nhắc giao Chính phủ thành lập sẽ đa dạng thành phần hơn, đảm bảo tính khách quan khi thẩm định SGK.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem