Đề xuất "cao tốc hoá" đường bộ, mở đường ra biển cho Trung du và miền núi phía Bắc

An Linh Thứ sáu, ngày 01/12/2023 17:18 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá đề xuất làm đường cao tốc Hoà Bình - Thanh Hoá là đáng lưu tâm bởi đây là giải pháp để kết nối vùng này với cảng biển Nghi Sơn. Khi hình thành các tuyến đường sẽ liên kết nhanh nhất các tỉnh vùng núi xa xôi với vùng ven biển, các sân bay, cảng và các cửa khẩu quan trọng.
Bình luận 0

"Mở đường" - giải cơn khát cao tốc cho hạ tầng Trung du và Miền núi phía Bắc

Chiều 1/12, Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức Hội nghị điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc với chủ đề Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn đặc biệt quan trọng, là vùng địa đầu, cội nguồn, phên dậu, lá phối của Tổ quốc với hơn 9.500 hecta, tiếp giáp 2 tỉnh của Trung Quốc. 

Đề xuất "cao tốc hoá" đường bộ, mở đường ra biển cho Trung du và miền núi phía Bắc - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị điều phối vùng Trung du miền núi phía Bắc (Ảnh: Bộ KH&ĐT).

Theo ông Dũng, quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển. Giúp "mở đường", tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương. 

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển khi đây là vùng sở hữu tài nguyên khoáng sản bậc nhất nước ta. Theo đó, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của Vùng là hơn 6 triệu ha, lớn nhất cả nước. Diện tích đất có rừng hơn 5 triệu ha, chiếm khoảng 37% diện tích đất có rừng của cả nước.

Ngoài ra là hệ sinh thái đa dạng về thành phần loài, phong phú về số lượng và tạo ra sự đa dạng của các phân vùng sinh thái. Nhiệt độ trung bình vùng khoảng từ 18 - 22 độ C thuận lợi cho phát triển du lịch…

Đề xuất "cao tốc hoá" đường bộ, mở đường ra biển cho Trung du và miền núi phía Bắc - Ảnh 2.

Các tuyến cao tốc do đơn vị tư vấn xây dựng (Ảnh: Bộ KH&ĐT).

Tuy nhiên Vùng cũng đang có nhiều thách thức cho mục tiêu phát triển khi địa hình bị chia cắt, kết nối giao thông kém. Thời gian di chuyển nội dùng và tới các trung tâm kinh tế còn lớn, liên kết với các cửa khẩu còn khó khăn. Trong đó, thời gian di chuyển trung bình đến Hà Nội là trên 6 giờ, chậm nhất ở khu vực phía Tây Bắc (Điện Biên, Sơn La, Lai Châu), tốc độ di chuyển tối đa theo hướng Đông Tây chỉ 30 - 40km/h.

Ngoài ra, sự đa dạng về văn hoá Vùng Trung du và miền núi phía Bắc với 31 dân tộc với sự khác biệt về ngôn ngữ và lối sống đòi hỏi một mô hình phát triển phù hợp. Chất lượng lao động thấp và chênh lệnh giữa các địa phương; tăng trưởng kinh tế không đều, nhiều tỉnh tăng trưởng giảm…

Giải "cơn khát cao tốc" cho miền núi phía Bắc

Tại hội nghị, đại diện tư vấn quy hoạch vùng là Công ty cổ phần tư vấn quốc tế EnCity đã nêu một số định hướng tổng thể trong công tác lập quy hoạch Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó định hướng cấu trúc tổng thể vùng gồm: 4 tiểu vùng, 4 hành lang kinh tế chính, 3 vành đai và 1 vùng động lực.

Đề xuất "cao tốc hoá" đường bộ, mở đường ra biển cho Trung du và miền núi phía Bắc - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Bộ KH&ĐT).

Cụ thể, mỗi tiểu vùng có 01 hành lang kinh tế chính, 01 cực tăng trưởng phía Nam, thuộc vành đai quanh Thủ đô; 01 trọng điểm phát triển ở biên giới thuộc vành đai an sinh, an ninh - quốc phòng. Vùng động lực gồm: Bắc Giang – Thái Nguyên – Phú Thọ. Các cực tăng trưởng gồm Tiểu vùng 1 (Hòa Bình, Sơn La); Tiểu vùng 2 (Phú Thọ, Lào Cai); (Tiểu vùng 3: Thái Nguyên); Tiểu vùng 4 (Bắc Giang, Lạng Sơn).

Về định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng, đơn vị tư vấn đề xuất trước năm 2030 ưu tiên cho các tốc Bắc - Nam, mở thêm lối ra biển. Trong đó, tiếp tục nâng cao các tuyến đường kết nối cửa khẩu, các liên kết hướng tâm. Đầu tư cao tốc Bắc-Nam đoạn nối Hòa Bình-Thanh Hóa; tuyến Quốc lộ 16 kết nối với Thanh Hóa, Bắc Trung Bộ. Ưu tiên nâng cấp, kết nối đường Vành đai 1 (QL.4) và đường Vành đai 3 (QL.37) để đẩy nhanh tốc độ kết nối Đông Tây.  Nâng cấp và đầu tư các sân bay Điện Biên, Lai Châu, Nà Sản, và Sa Pa…

Giai đoạn sau 2030, nghiên cứu đầu tư bổ sung xây dựng đường cao tốc Sơn La - Yên Bái (dọc QL37). Trong đó, tăng tốc quốc lộ 37 bằng việc mở đường cấp III với 4 làn xe. Theo đơn vị tư vấn, việc này sẽ tiết kiệm hơn 1 tiếng di chuyển từ thủ phủ nông sản Sơn La và tiểu vùng phía Tây đến cảng, đồng thời liên kết chuỗi du lịch Điện Biên – Sơn La – Yên Bái. Đồng thời thực hiện cao tốc Lạng Sơn – Tiên Yên để mở thêm lối ra biển.

Sau giai đoạn 2030, sẽ tăng cường kết nối đông tây, nhằm liên kết chuỗi giá trị, gia tăng quy mô các trung tâm chế biến/sản xuất, đưa nông sản tới gần hơn các thị trường quốc tế và liên kết hệ sinh thái du lịch. Xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Điện Biên, nâng cao liên kết nội vùng và quốc tế, bảo vệ cơ hội phát triển trong tương lai.

Liên quan đến đề xuất đầu tư đường cao tốc nối Hòa Bình - Thanh Hoá, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá đây là đề xuất đáng lưu tâm bởi đây là giải pháp để kết nối vùng này với cảng biển Nghi Sơn. Khi hình thành các tuyến đường sẽ liên kết nhanh nhất các tỉnh vùng núi xa xôi với vùng ven biển, các sân bay, cảng và các cửa khẩu quan trọng.

Quy hoạch vùng TDMNPB được lập trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2022 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện đã có 108/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch đã thẩm định xong; trong đó: có 17 quy hoạch ngành quốc gia và 08/14 quy hoạch tỉnh thuộc vùng TDMNPB đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với cách tiếp cận phù hợp và khoa học, quy hoạch vùng TDMNPB đã phân tích các vấn đề một cách sâu sắc, cụ thể hóa trên cơ sở các quy hoạch cấp trên và Nghị quyết, đồng thời nhận diện các chiến lược lớn cấp vùng, tích hợp các quy hoạch cấp tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem