Cuối tháng 11, tại một cuộc họp báo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã khẳng định chủ trương ưu tiên tối đa mọi nguồn lực từ phía ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong năm 2012.
|
Ngoài vốn, có thể cho nông dân vay vật tư sản xuất như phân bón. |
Tỷ lệ dư nợ phải đạt 20%
Theo ý kiến của Thống đốc Bình, ngân hàng nào không có điều kiện cho vay nông nghiệp, nông thôn thì phải chuyển một số vốn tương ứng cho Ngân hàng NNPTNT thực hiện việc cho vay này. Theo thống đốc, trong tình hình kinh tế khó khăn như vừa qua và cả hiện nay, toàn bộ hệ thống ngân hàng đều nhận thấy đầu tư cho nông nghiệp là an toàn, hiệu quả và có ý nghĩa nhất.
Chính vì vậy, NHNN đang chỉ đạo các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng lớn, thực hiện tỷ lệ dư nợ cho lĩnh vực nông nghiệp năm 2012 tối thiểu đạt 20%. Riêng Ngân hàng NNPTNT là đơn vị chủ đạo trong chương trình này, tỷ lệ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp tối thiểu phải đạt 80% tổng dư nợ.
Trước đây, để khuyến khích các doanh nghiệp thu mua lúa của người dân, NHNN đã nhiều lần cấp tín dụng với lãi suất 0% trong thời hạn 6 tháng cho các doanh nghiệp. Nhưng theo nhiều điều tra, nông dân gần như không được hưởng lợi nhiều từ chính sách ưu đãi này mà phần lớn lợi nhuận lại về tay các thương lái, các đầu nậu.
Thống đốc NHNN khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo xây dựng sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các ngân hàng thương mại để những chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn đến được tay người nông dân; đồng thời có cơ chế hỗ trợ nhằm tạo ra một chuỗi liên hoàn từ đầu tư cho sản xuất, phân phối, thu tiền...
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, chính sách kiềm chế tăng tín dụng nhằm kiềm chế lạm phát hiện nay là đúng, nhưng khi thực hiện nên chia ra, khu vực kinh tế nào thì kiềm chế (như bất động sản, chứng khoán...), song khu vực nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các trang trại thì vẫn nên tăng tín dụng.
Bà Lan đưa ra ví dụ, yêu cầu các ngân hàng không tăng tín dụng quá 20%, nhưng với chăn nuôi, chúng ta hoàn toàn có thể quy định tăng lên tới 30%. “Chúng ta có thể thông qua Ngân hàng Phát triển bảo lãnh tín dụng cho nông dân vay vốn chăn nuôi, có được sự bảo lãnh thì các ngân hàng sẽ mạnh dạn cho nông dân vay nhiều hơn” - bà Lan đề xuất.
Tiếp cận vốn - cách nào?
Theo một nghiên cứu mới được công bố của nhóm tác giả khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, do thiếu thông tin nên hầu hết các hộ nông dân ở khu vực xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay chính thức.
Tại Hội thảo “Kênh vốn nào cho doanh nghiệp năm 2012" tổ chức ngày 19.12, đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) cho rằng: "Cửa" vốn vay cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong năm 2012 sẽ không đóng hoàn toàn mà những khách hàng có dự án mới, hiệu quả, chứng minh được dòng tiền trong tương lai... sẽ vẫn là đối tượng được các NHTM xem xét cho vay.
Kết quả điều tra đã chỉ rõ gần 1/3 số hộ được nghiên cứu không hề biết đến hệ thống Ngân hàng NNPTNT; một tỷ lệ lớn hơn được biết cơ sở tín dụng qua hệ thống đài phát thanh. Ngoài ra, họ hầu như không hề biết được cụ thể các thủ tục, lãi suất và các quyền lợi của mình khi có nhu cầu vay vốn.
Khảo sát tương đối công phu này, cũng đã chỉ ra những khó khăn từ phía tổ chức tín dụng khiến cho cơ hội được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với hộ nông dân càng trở nên khó khăn. Đó là "các hộ nông dân có hoàn cảnh kinh tế càng khó khăn (đặc biệt với các hộ nghèo), trình độ văn hóa của chủ hộ càng thấp thì càng khó trong việc đáp ứng các thủ tục vay vốn, đặc biệt với các hộ nghèo.
Vì vậy, để hiện thực hóa chủ trương "chính sách hỗ trợ nông nghiệp đến tay người nông dân" đã có nhiều kiến nghị, đề xuất bên cạnh việc tăng quy mô vốn vay trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu của các hộ nông dân thì cũng cần phải phát triển cơ chế cho vay bằng hiện vật như phân bón, giống, thức ăn gia súc... Như vậy sẽ đảm bảo những hộ nông dân nghèo dễ dàng có cơ hội trong việc tiếp cận nguồn vốn và đảm bảo hỗ trợ đúng mục đích và đạt hiệu quả.
Hồ Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.