Góc nhìn pháp lý vụ lái xe máy tông gãy chân cảnh sát giao thông khi bị kiểm tra nồng độ cồn
Góc nhìn pháp lý vụ lái xe máy tông gãy chân cảnh sát giao thông khi bị kiểm tra nồng độ cồn
Phi Long
Thứ bảy, ngày 27/07/2024 14:40 PM (GMT+7)
Công an huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang vừa bắt giữ đối tượng đâm trực diện vào cán bộ Cảnh sát Giao thông (CSGT) tại chốt kiểm tra nồng độ cồn rồi bỏ trốn. Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vụ việc này.
Ngày 18/7, Công an huyện Yên Dũng cho biết, đã tiếp nhận tin báo của Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang về việc một cán bộ CSGT thuộc đơn vị đã bị một đối tượng điều khiển mô tô chưa rõ biển kiểm soát đâm trực diện khi đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm tra nồng độ cồn tại Km61, Quốc lộ 17 (thuộc địa phận xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng).
Cụ thể, khi Tổ công tác thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang yêu cầu đối tượng dừng xe kiểm tra nồng độ cồn thì đối tượng điều khiển mô tô tăng ga đâm trực diện vào một cán bộ CSGT và bỏ chạy. Hậu quả, chiến sĩ CSGT bị gãy chân bên phải.
Quá trình điều tra xác minh, Công an huyện Yên Dũng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang làm rõ đối tượng trên là Đỗ Ngọc Doanh (sinh năm 1992, trú thôn 4, xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ).
Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Dũng, đối tượng Doanh đã khai nhận toàn bộ nội dung sự việc.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Dũng đã ra Lệnh giữ người và bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ hình sự đối tượng Đỗ Ngọc Doanh để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Hoàng Anh Sơn phân tích, theo khoản 2 Điều 3, Nghị định 208/2013, hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong đó, khoản 1, Điều 3, Nghị định 208/2013 quy định: Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Một hành vi bị xem là chống người thi hành công vụ, trước hết hành vi đó phải có dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực như đánh, trói, … hoặc hành vi đó phải dùng thủ đoạn khác (như lăng mạ, bôi nhọ hoặc vu khống..) cưỡng ép người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật như cưỡng ép cán bộ kiểm lâm cho chở gỗ khai thác,…
Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, tuỳ từng mức độ vi phạm, người chống người thi hành công vụ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính đối với hành vi chống người thi hành công vụ: Nếu chống người thi hành công vụ chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể tại Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ/CP của Chính phủ quy xử phạt hành vi chống người thi hành công vụ như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật; Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ; Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ; Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ. Ngoài ra, người vi phạm buộc xin lỗi công khai đối với người thi hành công vụ đó.
Cũng theo Luật sư Hoàng Anh Sơn, trong trường hợp, hành vi chống người thi hành công vụ đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật hình sự 2015, với mức phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 7 năm tù.
Như vậy, theo luật sư Sơn, hành vi chống người thi hành công vụ, tùy từng mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính cao nhất là từ 6 đến 8 triệu đồng và mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.