Để xuất khẩu khỉ đuôi dài sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt cần đáp ứng điều kiện gì?

Trần Quang Thứ năm, ngày 01/08/2024 11:17 AM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, Trung Quốc đang muốn mua khỉ đuôi dài của Việt Nam đưa về để phục vụ nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, để xuất khẩu được khỉ sang Trung Quốc thuận lợi, các doanh nghiệp của Việt Nam phải đáp ứng được các điều kiện nêu ra trong Nghị định thư đã được ký kết giữa 2 nước.
Bình luận 0
Để xuất khẩu khỉ đuôi dài sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt cần đáp ứng điều kiện gì?- Ảnh 1.

Khi đuôi dài được nhân nuôi để phục vụ xuất khẩu tại một đơn vị ở phía Nam. Ảnh: Hoàng Hưng

Việt Nam đã xuất khẩu khỉ đuôi dài sang Mỹ, Nhật...

Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, bà cũng mới nắm được thông tin Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch khỉ đuôi dài sang thị trường Trung Quốc. Đây là tin vui cho các doanh nghiệp, cơ sở được phép chăn nuôi khỉ xuất khẩu của Việt Nam và cũng mở ra cơ hội mới cho người dân làm giàu. 

Theo bà Hà, việc xuất khẩu khỉ đuôi dài không mới vì Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều nước như Mỹ, Nhật... gần đây nhất là từ 2019 đến 2022.

"Khi đuôi dài được các nước nhập về phục vụ nghiên cứu khoa học, thử nghiệm thuốc, vaccine cho người. Vì, đơn giản khỉ có họ hàng gần với con người và có nét giống người nên chúng rất cần trong nghiên cứu khoa học, phục vụ việc sản xuất thuốc, vaccine cho người", bà Hà khẳng định.

Bà Hà cho biết thêm, hiện nay có một số doanh nghiệp ở phía Nam đã được phép gây nuôi loài khỉ đuôi dài. Trong quá trình gây nuôi, các đơn vị luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ môi trường; chuồng trại gây nuôi động vật rừng đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia TCVN XXXX 2023.

"Các đơn vị đã xây dựng bố trí các khu chức năng như: khu vực chăn nuôi, khu nuôi sinh sản, nuôi con non, con trưởng thành và con hậu bị; khu vực nhà kho, khu chế biến thức ăn, khu nhà chăm sóc thú ý, khu nhà điều hành quản lý, khu vực trồng cây xanh tạo bóng mát, khu vực xử lý chất thải, nước thải và vệ sinh môi trường", bà Hà khẳng định.

Cũng theo bà Hà, mới đây, tại Ninh Bình cũng có một đơn vị đã được cấp phép gây nuôi loài khỉ đuôi dài để phục vụ cho xuất khẩu.

Để xuất khẩu khỉ đuôi dài sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt cần đáp ứng điều kiện gì?- Ảnh 2.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) khẳng định, Việt Nam đã có một số đơn vị được cấp phép gây nuôi khỉ đuôi dài để phục vụ xuất khẩu.

Không cấm mua bán các động vật được nuôi

Thông tin thêm về loài khỉ đuôi dài, đại diện ENV cho hay: Loài thuộc phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp được phép xuất, nhập khẩu nếu có nguồn gốc hợp pháp (ví dụ nuôi sinh sản từ thế hệ F1 trở về sau) và đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật.

Khỉ đuôi dài, loài khỉ có chiếc đuôi bằng hoặc dài hơn cơ thể, nằm trong danh mục động vật nguy cấp, quý hiếm, cần được bảo vệ nghiêm ngặt trong Sách Đỏ Việt Nam và có tên trong Phụ lục của CITES.

Theo bà Hà, khỉ đuôi dài ở Việt Nam được phân bổ từ Thừa Thiên - Huế trở vào tới Kiên Giang, chúng sống thành đàn trong trong rừng rậm nguyên sinh, thứ sinh, rừng tre nứa, rừng thường xanh, rừng thưa, bờ sông, ven biển, rừng ngập mặn ven biển, dọc theo các con sông tới độ cao 2.000 mét.

Loài khỉ đuôi dài rất phổ biến ở các khu rừng ở miền Nam trước năm 1975 nhưng đến sau năm 1975, loài này bị suy giảm mạnh về số lượng do tình trạng phá rừng khiến chúng bị mất nơi cư trú và tình trạng chúng bị săn bắt ‘để lấy thịt và nấu cao’. "Nhiều năm nay, tại Việt Nam cũng đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến săn bắt, buôn bán loài khỉ đuôi dài", đại diện ENV nói thêm.

Cũng theo bà Hà, hiện CITES chưa công bố số lượng khỉ được xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là vấn đề mà các quốc gia có nhu cầu nhập khẩu có thể thỏa thuận với đơn vị xuất khẩu.

Để xuất khẩu khỉ đuôi dài sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt cần đáp ứng điều kiện gì?- Ảnh 3.

Công nhân tại một đơn vị phía Nam chuẩn bị thức ăn cho khỉ ăn. Ảnh: Hoàng Hưng

Để xuất khẩu được khỉ đuôi dài sang Trung Quốc, Phó Giám đốc ENV cho rằng các doanh nghiệp, cơ sở được cấp phép gây nuôi của Việt Nam phải đáp ứng được các điều kiện nêu ra trong Nghị định thư đã được ký kết giữ Cục Thú y (Bộ NNPTNT) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Theo đó, các đơn vị cần đăng ký để Cục Thú y tổng hợp, xác nhận và gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, quyết định.

Ngày 31/7, Cục Thú y cũng đã có văn bản gửi Chi cục Thú y vùng I, II, III, IV, V, VI và VII; Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh về việc áp dụng mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu khỉ sống từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị Cục Thú y Việt Nam thực hiện tốt việc cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu đối với các lô khỉ sống xuất khẩu sang Trung Quốc, bảo đảm đáp ứng các điều kiện nêu trong Nghị định thư và mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch đã thống nhất.

Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với khỉ xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết vào ngày 6/6/2024.

Ngay sau khi Nghị định thư được ký kết, Cục Thú y tiếp tục chủ động làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thảo luận và thống nhất nội dung Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu khỉ từ Việt Nam sang Trung Quốc. Quá trình trao đổi cũng nhận được sự hỗ trợ rất tích cực, hiệu quả của Đại sứ quán Việt Nam (Thương vụ) tại Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

Theo Nghị định thư, để xuất khẩu được khỉ, khỉ phải không có bệnh Ebola Hemorrhagic và bệnh Marburg, không có ca bệnh lâm sàng Cercopithecine Herpesvirus loại I (vi-rút B), Lao, Salmonella và bệnh lỵ trực khuẩn (Shigellosis) ở các khu vực và nơi xuất xứ của khỉ xuất khẩu trong 12 tháng.

Khỉ xuất khẩu sang Trung Quốc phải được sinh ra hoặc nuôi nhốt ít nhất 2 năm ở Việt Nam. Trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc, khỉ đã qua kiểm dịch tại trang trại gốc xứ sẽ được cách ly 30 ngày tại địa điểm kiểm dịch được phía Việt Nam phê duyệt.

Trong thời gian cách ly, khỉ sẽ được kiểm tra lâm sàng từng con một, xác nhận khỏe mạnh, không có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm. Tất cả khỉ sẽ được xét nghiệm trong phòng thí nghiệm được phía Việt Nam phê duyệt và chỉ những con khỉ có kết quả âm tính mới được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tất cả các thùng, xe cộ, tàu, máy bay và các phương tiện, thiết bị khác dùng để vận chuyển khỉ phải được làm sạch, khử trùng bằng chất khử trùng hiệu quả được phía Việt Nam phê duyệt. Thức ăn và chất độn chuồng được sử dụng trong thời gian cách ly và vận chuyển khỉ không được có nguồn gốc từ những vùng có dịch bệnh truyền nhiễm ở động vật và phải tuân thủ các yêu cầu vệ sinh thú y.

Trong thời gian cách ly và vận chuyển, khỉ không được tiếp xúc với bất kỳ động vật khác không thuộc cùng một công ty xuất khẩu hoặc nhập khẩu và không được sử dụng cùng một phương tiện vận chuyển. Khỉ không được vận chuyển qua vùng có dịch bệnh động vật nghiêm trọng…

Tổng cục Hải quan Trung Quốc có thể cử cán bộ kiểm dịch động vật đến các cơ sở xuất khẩu khỉ, cơ sở kiểm dịch liên quan và phòng xét nghiệm để phối hợp với các bác sĩ thú y có thẩm quyền của Việt Nam trong việc thực hiện các thủ tục kiểm tra và kiểm dịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem