Một số doanh nghiệp làm nhiễu thị trường
Theo điều kiện mà VASEP đưa ra, các doanh nghiệp muốn sản xuất kinh doanh tôm phải đáp ứng điều kiện về: Vốn, nhân sự có bằng cấp và có kinh nghiệm, phương án về bảo vệ môi trường…
|
Thu hoạch tôm tại các tỉnh ĐBSCL. |
Lý giải cho đề xuất này, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội VASEP cho hay:
“Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tôm, hiện đang có một số doanh nghiệp lớn và nhỏ rơi vào tình trạng tê liệt do bị cạnh tranh không lành mạnh, tranh giành khách bằng mọi giá. Nhiều doanh nghiệp coi trọng lợi ích trước mắt, coi nhẹ chất lượng, đã mua tôm có tạp chất, chế biến thiếu trọng lượng, gian lận thương mại… dẫn đến phải đền bù và mất khách hàng”.
Đặc biệt, theo ông Hòe, một số doanh nghiệp có vốn tự có thấp, nên khi gặp sự cố về tài chính, sức chịu đựng kém, khiến cho các ngân hàng thiếu an tâm khi cho vay vốn.
Thời gian qua, theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp, hiện nay có nhiều đơn vị mặc dù không đủ năng lực tài chính, cũng như các điều kiện để sản xuất kinh doanh tôm nhưng vẫn thành lập và có những hoạt động cạnh tranh không lành mạnh là làm nhiễu thị trường.
Do vậy, ông Hòe cho rằng: “Việc đưa mặt hàng tôm thành ngành sản xuất có điều kiện dù đang mới chỉ là ý tưởng, nhưng cần phải hiện thực hóa càng nhanh càng tốt. Chúng tôi đang tập hợp thêm ý kiến của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, tìm hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của họ, bởi thời gian vừa qua cũng có nhiều doanh nghiệp đề xuất vấn đề này với VASEP”.
Tạo sự phát triển bền vững cho ngành tôm
Hiệp hội VASEP cho rằng, việc đưa mặt hàng tôm thành ngành sản xuất có điều kiện sẽ giúp Nhà nước dễ quản lý các doanh nghiệp hơn, đồng thời cũng chấn chỉnh lại hoạt động sản xuất kinh doanh tôm hiệu quả hơn. Đây là hướng lâu dài để tạo ra sự phát triển bền vững cho ngành tôm.
Cùng với việc kiến nghị đưa mặt hàng tôm thành ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện, VASEP cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh thúc đẩy quy hoạch nuôi tôm ở từng địa phương và có sự hỗ trợ đầu tư hạ tầng để phát triển ngành tôm bền vững.
Về điều kiện để sản xuất kinh doanh tôm, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP cho rằng: “Các doanh nghiệp cũng có nhiều ý kiến về vấn đề này, chúng tôi đang cân nhắc về các đề xuất cụ thể. Để đưa ra được những điều kiện đó, phía VASEP cần có nhiều ý kiến và sự góp ý hơn nữa từ phía các doanh nghiệp”.
Ông Nam cũng cho biết: “Chúng tôi nhận thấy đây là việc cần làm để có thể phát triển ngành tôm một cách bền vững, vì thế VASEP sẽ cố gắng hoàn thiện kế hoạch này càng sớm càng tốt để gửi Bộ Công Thương, có thể sẽ xong trong tháng 8”.
Ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết: “Tổng cục Thủy sản hoàn toàn đồng ý với đề nghị của VASEP, bởi nếu không đưa ngành tôm thành ngành sản xuất có điều kiện thì không thể phát triển bền vững. Điều quan trọng bây giờ VASEP phải đưa ra kế hoạch, phương hướng chi tiết và lộ trình rõ ràng”.
Đình Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.