Đề xuất lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh võ cổ truyền Bình Định

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 24/03/2021 14:43 PM (GMT+7)
UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ VHTT&DL xem xét, có văn bản trình Chính phủ đưa di sản võ cổ truyền Bình Định vào danh mục đề cử lên UNESCO ghi danh, tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bình luận 0

Ngày 24/3, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định xác nhận, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long vừa ký văn bản gửi Bộ VHTT&DL về việc đề xuất lập hồ sơ võ cổ truyền Bình Định trình UNESCO đề cử ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tỉnh Bình Định đề nghị Bộ VHTT&DL xem xét, có văn bản trình Chính phủ đưa di sản võ cổ truyền Bình Định vào danh mục đề cử lên UNESCO ghi danh, tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời, Bộ VHTT&DL có ý kiến chỉ đạo các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch phối hợp và hỗ trợ UBND tỉnh Bình Định tiến hành lập hồ sơ khoa học di sản võ cổ truyền Bình Định trong giai đoạn 2021 – 2025.

Đề xuất lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh võ cổ truyền Bình Định  - Ảnh 1.

Đại danh sư Trương Văn Vịnh (SN 1935, trú làng Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định).

Theo ông Phi Long, Bình Định là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển văn hóa, nghệ thuật trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước. Bên cạnh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Nghệ thuật Bài chòi miền Trung, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật Hát bội Bình Định thì di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất sớm, đến thời Tây Sơn vào thế kỷ XVIII thể hiện rõ nét.

Năm 2012, Bộ VHTT&DL đã ghi danh Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2013, tỉnh Bình Định quyết định thành lập Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định - nơi giao lưu, trao đổi về các dòng võ cổ truyền, là ngôi nhà chung của các làng võ cổ truyền Bình Định, là nơi bảo trợ trên 100 võ đường Võ cổ truyền Bình Định.

Địa phương cũng đã có rất nhiều đề tài, đề án được tỉnh ban hành, thực hiện, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Võ cổ truyền Bình Định.

Toàn tỉnh Bình Định hiện có hàng nghìn nghệ nhân đang nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể Võ cổ truyền Bình Định, đang thực hành và truyền dạy tại 177 võ đường, câu lạc bộ Võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh. Trong số nghệ nhân đang nắm giữ Võ cổ truyền Bình Định, hiện có 4 Nghệ nhân ưu tú, 2 Đại võ sư quốc tế, 26 Đại võ sư quốc gia, 12 võ sư cao cấp, 73 võ sư, 57 chuẩn võ sư, 415 huấn luyện viên.

Từ năm 2006 đến nay, Bình Định là nơi đã tổ chức 7 kỳ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, là nơi giao lưu di sản Võ cổ truyền từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với di sản Võ cổ truyền Bình Định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem