Việc thành lập HTX nhằm giúp bà con nuôi cá sấu tại các huyện ngoại thành TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận đảm bảo được giá bán hợp lý, đồng thời hạn chế tình trạng bị thương lái nước ngoài ép giá. Hoạt động theo mô hình HTX cũng sẽ giúp hạn chế tình trạng bán thô cá sấu thịt cho thương lái nước ngoài qua đường tiểu ngạch, gây nguy cơ ảnh hưởng tới việc xuất khẩu chính ngạch cá sấu của Việt Nam, theo Công ước về buôn bán quốc tế các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites).
Ông Tôn Thất Hưng – Giám đốc Công ty Cá sấu Hoa Cà cho biết, do hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch tăng mạnh, nhiều thương lái nước ngoài đến tận các ao nuôi để mua vét cá sấu nguyên liệu. Giá cá sấu thô tại các trại nuôi hiện đã lên mức cao đỉnh điểm trong nhiều năm qua, đạt mức 230.000 – 240.000 đồng/kg, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. “Theo quy luật kinh tế, giá tăng cao rồi giá sẽ giảm. Mà từ năm 2013 đến nay, giá cá luôn tăng cao và đã đạt đỉnh. Khi giá tăng cao, nhiều người đổ xô nuôi cá sấu. Do đó, sẽ đến lúc giá cá nguyên liệu rớt xuống, ảnh hưởng lợi nhuận người nông dân” - ông Hưng cho biết.
“Tham gia vào HTX Cá sấu theo kiểu mới, mỗi hộ nuôi cũng như mỗi doanh nghiệp chế biến cá sấu sẽ là một xã viên, có quyền lợi, nghĩa vụ ngang nhau. Xã viên sẽ bán cá nguyên liệu cho HTX, sau đó HTX sẽ lo tiếp đầu ra cho sản phẩm. Phần lợi nhuận chênh lệch sẽ được công khai, minh bạch và chia đều lại cho xã viên, theo tỷ lệ sản phẩm họ đã bán cho HTX trước đó. Nguyên tắc hoạt động của HTX sẽ là công bằng và minh bạch” - ông Hưng giải thích thêm. Cũng theo ông Hưng, nếu thuận lợi, sang năm 2015, HTX Cá sấu TP.HCM sẽ được thành lập. Trước đó, mô hình HTX Cá sấu giống Nam Bộ đã được thành lập và hoạt động khá tốt, hiện nay đã cho ra sản phẩm cá sấu giống chất lượng cao.
Ông Lâm Tùng Quế - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã TP.HCM (Chi cục Kiểm lâm TP.HCM) cho biết, cơ quan chức năng đang hoàn thành các thủ tục cuối cùng để thành lập Hiệp hội Cá sấu Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.