Đề xuất trao cơ chế đặc thù, Nghệ An có thể có thêm 900 tỷ đồng mỗi năm

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 31/05/2024 09:51 AM (GMT+7)
Cơ quan thẩm tra cho biết dự kiến khi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An được thực hiện, mỗi năm ngân sách tỉnh Nghệ An sẽ được bổ sung thêm khoảng 900 tỷ đồng.
Bình luận 0

Sáng 31/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững.

Đề xuất trao cơ chế đặc thù, Nghệ An có thể có thêm 900 tỷ đồng mỗi năm- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QH

Đề xuất tăng một phó chủ tịch tỉnh Nghệ An

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 14 chính sách, bao gồm: Quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước (4 chính sách); Quản lý đầu tư (6 chính sách); Quản lý đô thị, tài nguyên rừng (2 chính sách); Tổ chức bộ máy và biên chế (2 chính sách).

Trong số này, có 2 chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương, 8 chính sách cũng được áp dụng tại các địa phương khác nhưng có điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn tỉnh Nghệ An.

Đặc biệt, lần này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đề xuất 4 chính sách mới phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh Nghệ An.

Trong đó, Chính phủ đề xuất cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản.

Chính phủ cũng đề xuất phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương, để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An.

Đáng chú ý, theo ông Dũng, lần này, Chính phủ đề xuất UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 phó chủ tịch (tăng 1 phó chủ tịch so với quy định hiện hành).

Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua nội dung này tại kỳ họp thứ 7 theo trình tự thủ tục rút gọn, thông qua tại một kỳ họp.

Mỗi năm ngân sách tỉnh Nghệ An được bổ sung thêm khoảng 900 tỷ đồng

Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là có căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và đúng thẩm quyền.

Cơ quan thẩm tra lưu ý các chính sách cần thể hiện được tính đặc thù riêng biệt trong phát triển kinh tế, văn hóa của Nghệ An và có tính đột phá hơn nữa để tạo sức bật mới, nhằm phát triển Nghệ An xứng đáng với vai trò là trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ.

Đề xuất trao cơ chế đặc thù, Nghệ An có thể có thêm 900 tỷ đồng mỗi năm- Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh. Ảnh: QH

Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với nhóm chính sách tương tự đã được áp dụng tại các địa phương khác hoặc tương tự nhưng có điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn tại Nghệ An.

Về chính sách cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn miền Tây Nghệ An, cơ quan thẩm tra cho biết dự kiến khi cơ chế, chính sách được thực hiện, mỗi năm ngân sách tỉnh Nghệ An sẽ được bổ sung thêm khoảng 900 tỷ đồng.

"Nếu số thu trên không dùng để xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương sẽ giảm tương ứng với số thu do ngân sách tỉnh Nghệ An được hưởng", theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Cơ quan thẩm tra cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng miền Tây Nghệ An là địa bàn đặc biệt khó khăn, đầu tư hạ tầng còn hạn chế, đặc biệt, đây còn là địa bàn quan trọng, nhạy cảm về chính trị, quốc phòng, an ninh. Vì vậy, cơ quan thẩm tra nhất trí với chính sách trên để bổ sung nguồn lực cho tỉnh Nghệ An trong đầu tư phát triển miền Tây Nghệ An.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng ủng hộ chính sách cho phép tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm. Theo cơ quan thẩm tra, chính sách này sẽ tạo sự chủ động cho địa phương trong việc cân đối, lập kế hoạch bố trí nguồn lực cho các dự án.

Liên quan đặc thù về số lượng cấp phó, dự thảo Nghị quyết quy định UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 phó chủ tịch.

Theo ông Lê Quang Mạnh, đây là nội dung liên quan đến chủ trương tinh giản biên chế, giảm cấp phó theo các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị. Chính sách này đã được báo cáo và được Bộ Chính trị chấp thuận. Cơ quan thẩm tra vì thế nhất trí với đề xuất này.

Về điều khoản thi hành, đa số ý kiến cho rằng, dự thảo nghị quyết chưa thể hiện rõ thời hạn có hiệu lực của nghị quyết. Do vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung này và quy định cụ thể trong nghị quyết thời hạn áp dụng là 5 năm.

Có ý kiến đề nghị xem xét thống nhất hiệu lực thi hành của nghị quyết này cùng với hiệu lực thi hành của Nghị quyết số 36 để bảo đảm đánh giá đồng bộ các cơ chế thí điểm của tỉnh Nghệ An.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem