Đến Hà Nội để tìm lại tuổi thơ

Thứ tư, ngày 18/08/2010 18:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Trên chuyến bay trở lại Việt Nam sau kỳ nghỉ phép, tôi quyết định sẽ tạm thời gác công việc sang một bên để hít thở không khí rộn ràng chào đón Đại lễ 1.000 năm Thăng Long của người Hà Nội".
Bình luận 0
img
Ông Takeshi Hachimura.

Tới Việt Nam làm việc đã hơn 3 năm nay, ông Takeshi Hachimura - cố vấn trưởng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) - cũng nhiều lần muốn bứt ra khỏi công việc bề bộn để thưởng ngoạn cảnh trí Thủ đô Hà Nội. Nhưng, ông thú thật vẫn chưa được đi nhiều và hiểu biết nhiều.

Trong lần trò chuyện gần đây với tôi, ông tâm sự rằng: "Trên chuyến bay trở lại Việt Nam sau kỳ nghỉ phép, tôi quyết định sẽ tạm thời gác công việc sang một bên để hít thở không khí rộn ràng chào đón Đại lễ 1.000 năm Thăng Long của người Hà Nội".

Tuy nói vậy chứ ấn tượng của ông với Hà Nội cũng có khá nhiều. "Tôi đã đi nhiều nơi ở Hà Nội, như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là địa điểm đầu tiên, thứ hai là Văn Miếu Quốc Tử giám, hàng ngày được đi làm ngang qua hồ Hoàn Kiếm và còn thử ngồi uống bia hơi ở vỉa hè nữa"- ông nói.

Lần đầu tới Hà Nội theo lời mời của Chính phủ Việt Nam làm cố vấn về chống khủng hoảng và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng, ông Hachimura đã nghĩ rằng đó là "chuyến đi để truyền đạt lại kiến thức. Nhưng rồi tôi thấy ngỡ ngàng vì tôi đã học hỏi được nhiều điều". Khi đặt chân đến Hà Nội, không khí cổ kính của Thủ đô đã gây ấn tượng đặc biệt với ông vì quang cảnh ở đây rất giống với Nhật Bản thời ông còn nhỏ: "Nhiều người Nhật đều có cảm tưởng giống tôi nên họ đều muốn quay lại Hà Nội một lần nữa để tìm lại những dấu ấn tuổi thơ".

Theo chuyên gia kinh tế cấp cao này, tại Thủ đô Tokyo của Nhật Bản có một danh thắng giống Văn Miếu - trường đại học đầu tiên ở Việt Nam - mà người Nhật gọi là Thánh đường. "Vào thời Đế đô, Thánh đường là nơi để học sinh học về nho giáo. Một trong số những người bạn của tôi là Hội trưởng Thánh đường hiện nay, đã được tôi dẫn đến thăm quan Văn Miếu. Ông ấy rất ngạc nhiên và thích thú khi biết rằng Việt Nam cũng có điểm tương đồng về đạo học với Nhật Bản. Giống như ở Việt Nam, Nhật Bản cũng ảnh hưởng nhiều của nho giáo. Ở Văn Miếu và Thánh đường tại Tokyo đều có chung bức tượng Khổng Tử"-ông Takeshi Hachimura nói

Ông Hachimura nói rằng, dịp Hà Nội kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long cũng là thời điểm Nhật Bản kỷ niệm 1.300 năm của thành phố cổ Nara. Có một chi tiết khá thú vị mà ông nhắc lại: Trong lễ khai nhãn của ngôi chùa Đông Đại tự (Horyuji) ở thành phố Nara cách đây 1.300 năm, đã có một nhà sư Việt Nam trong số 3 nhà sư được mời đến đến dự. Nhà sư đó đã mang một phần của âm nhạc Việt Nam sang Nhật Bản.

Ông Hachimura cho biết: "Vào ngày 28-8 tới, Nhật Bản sẽ kỷ niệm ngày khai nhãn ở chùa Đông Đại tự. Trong dịp lễ này, Nhật Bản sẽ mời ba nhạc sĩ Việt Nam sang biểu diễn âm nhạc. Như vậy để thấy rằng, không phải quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản mới có như quan niệm của nhiều người Nhật, mà thật ra quan hệ đó đã hình thành từ rất lâu đời".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem