Đến trường quá gian nan

Thứ tư, ngày 14/09/2011 05:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không phải đu dây qua sông đến trường, cũng không phải đi đò qua sông để đến trường, nhưng ở nơi đó, học sinh cùng thầy cô giáo phải bơi qua sông để đi dạy chữ và đi kiếm từng cái chữ.
Bình luận 0

Học sinh ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình ngày hai buổi bơi qua sông đến Trường Tiểu học Hưng. Giáo viên cũng bơi cùng các em, thầy trò nghĩ ra cách cho áo quần, cặp sách vào một bao nylon lớn, buộc kín lại. Đến khi bơi sang bờ bên kia thì thay quần áo khô để đến trường. Không chỉ học sinh, người dân vùng này cũng qua lại giữa hai bên con sông đều bằng “phương tiện” bơi. Đơn giản vì không có cầu, không có cả thuyền đưa khách sang sông.

Để có được cái chữ, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa phải đánh đổi cả sức khỏe, thậm chí cả mạng sống của mình. Cũng khó hình dung được, nếu như vào mùa mưa bão, mùa giá rét thì thầy cô và học sinh ở đây đi lại bằng cách gì, chắc chắn phải bỏ học vì không thể bơi được. Hỏi ra, nếu xây cây cầu mất chừng 5 tỷ đồng, xã nghèo không có kinh phí nên chịu, đành phải tiếp tục đánh cược sinh mạng của trẻ em và người dân hàng ngày.

Ở hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An, học sinh không bơi qua sông nhưng phải cuốc bộ hơn 10km để đến trường. Con đường mà hàng trăm học sinh ở đây phải đi hàng ngày là đường núi, vượt qua bao nhiêu đồi dốc, khe suối nên rất vất vả. Vì đi học xa, khi về quá giờ cơm trưa nên các em phải mang theo cơm nắm, mì gói để ăn. Học sinh học ca sáng phải đi học từ 4 giờ sáng, cầm đèn pin soi đường. Các em học ca chiều thì về quá muộn, đi trong đêm tối giữa đèo heo hút. Những ngày mưa gió, đường càng khó đi, kiếm được cái chữ quá đỗi nhọc nhằn với các em.

Không phải chỉ một vài địa phương có tình trạng học sinh đi học gian khổ và nguy hiểm như hai tỉnh nêu trên, mà còn rất nhiều nơi như vậy. Chúng ta nói đã nhiều, kêu gọi cũng rất nhiều về xây dựng nông thôn mới, về đầu tư cho giáo dục ở vùng nông thôn để nâng cao dân trí, nhưng thực tế làm chưa được nhiều. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, các em sẽ không theo học được lâu dài, cái chữ ít ỏi rồi cũng rơi rụng hết. Nhiều năm qua, học sinh vùng nông thôn bỏ học rất nhiều, nguyên nhân là do nghèo khổ, không đủ cái ăn để đến trường, nhưng cũng có nguyên nhân do đường đến trường quá gian nan.

Hãy bớt những hội hè đình đám, giảm những hội thảo, hội nghị vô bổ, tạm dừng những công trình xa hoa tráng lệ dành cho số ít người, để dành ít tiền xây những cây cầu bắc qua những con sông cho trẻ em đến trường, cho người dân đi lại an toàn, và để xây thêm những ngôi trường cho học sinh vùng nông thôn, miền núi. n

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem