Hương vị đặc trưng
Khác biệt với nếp cái hoa vàng trồng ở các địa phương khác, nếp cái hoa vàng Đại Thắng là giống nếp cái đặc trưng, có nguồn gốc và được lưu truyền từ lâu đời tại địa phương. Gạo hạt ngắn, có hình dáng hơi tròn, màu trắng đục và có mùi thơm nhẹ; sau khi nấu thành cơm (xôi) sẽ cho hạt căng, nở đều, màu trắng ngà, bóng, ráo nước, mềm, dẻo, khi ăn có vị đậm, ngậy thơm và lâu lại gạo. Nếu ai đã một lần được thưởng thức món xôi đỗ xanh, xôi lạc, xôi trắng nước cốt dừa trong những ngày giỗ tổ tiên, ông bà, hay bánh chưng trong ngày Tết Nguyên đán với nguyên liệu là Nếp cái hoa vàng thì chắc rằng không thể quên được hương vị rất đặc trưng này.
Cánh đồng nếp cái hoa vàng Đại Thắng trong mùa thu hoạch. ảnh: T.T
Điều làm nên sự khác biệt là do lợi thế về thổ nhưỡng. Cây lúa nếp hoa vàng rất phù hợp với chất đất nơi đây và chỉ cấy trên đồng đất của Đại Thắng gạo mới ngon thơm, những địa phương khác không tài nào sánh được.
Lúa nếp cái hoa vàng Đại Thắng có chiều cao khoảng 150–155 cm, cây cứng, gốc thân to, chống đổ tương đối tốt. Lúa có khả năng chịu phèn, chịu chua và trũng khá, chịu hạn cuối vụ tương đối tốt, kháng bệnh đạo ôn bệnh khô vằn nhưng hay bị nhiễm sâu đục thân nặng. Vì vậy trong quá trình chăm sóc cần phát hiện bệnh sớm để phun trừ kịp thời.
Thời gian sinh trưởng dài tới 160 ngày, chỉ cấy vào vụ mùa, gieo trồng nếp cái hoa vàng bắt đầu vào tháng 6 hàng năm. Nông dân gieo mạ từ ngày 15-20.6 dương lịch; cấy từ 20.6 đến 25.7, lựa chọn những hạt giống trước ngâm ủ đảm bảo chất lượng chắc mẩy, đồng nhất về kích cỡ, không bị lẫn giống khác, cỏ và tạp chất. Ngoài ra, nông dân cấy lúa thẳng hàng với mật độ từ 35-40 khóm/m2, cấy 10 hàng để cách 30cm tạo các ô rộng 2,5m phục vụ cho quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và khử lẫn. Mực nước khi cấy đảm bảo trong ruộng từ 4–5cm đến thời kỳ cuối đẻ nhánh tháo nước để lộ mặt ruộng trong 3-5 ngày để hạn chế các nhánh vô hiệu, thời kỳ lúa đỏ đuôi, tháo kiệt nước cho lúa cứng cây.
Sau gặt, đập, nông dân phơi thóc theo kỹ thuật sáng phơi, chiều ủ phơi từ 11 giờ sáng đến 2 giờ chiều, sau đó ủ thóc từ 2-4 giờ bằng cách cào gọn thành đống. Trong quá trình phơi thường xuyên đảo thóc. Phơi đủ số giờ nắng, thường phơi 5 nắng để hạt gạo trắng đều. Sau khi thóc đã được phơi khô, làm sạch quạt sạch trấu, hạt lép và đóng bao bảo quản nơi khô ráo.
Hiệu quả kinh tế lớn
Hiện nay, thu nhập bình quân 1 sào nếp cái hoa vàng đạt 2,5 triệu đồng. Đây cũng là lý do khiến từ nhiều năm nay cứ vào vụ mùa là bà con xã Đại Thắng lựa chọn giống lúa quý này.
|
Mặc dù là giống lúa thuần, nhưng nhờ kỹ thuật chọn giống tốt cùng với việc áp dụng những tiến bộ tiến tiến trong canh tác, từ nhiều năm nay nếp cái hoa vàng Đại Thắng vẫn cho năng suất ổn định, đạt trên 1,8 tạ/sào. Nhờ chất lượng gạo thơm, dẻo khi nấu thành xôi, người trồng nếp cái hoa vàng luôn có thu nhập cao hơn 2-3 lần so với các giống lúa nếp khác, và cao hơn 4 lần so với lúa tẻ. Hiện nay, thu nhập bình quân 1 sào nếp cái hoa vàng đạt 2,5 triệu đồng. Đây cũng là lý do khiến từ nhiều năm nay cứ vào vụ mùa là bà con xã Đại Thắng lựa chọn giống lúa quý này.
Sản phẩm phụ sau thu hoạch, một số hộ nông dân đã tích trữ nguyên liệu rơm làm để làm nấm sò quanh năm. Nấm sò trắng và sò tím được làm bằng rơm nếp hoa vàng vừa có năng suất cao, đặc biệt là chất lượng rất ngon được tiêu thụ khắp cả vùng.
Ông Nguyễn Văn Ngọc-Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đại Thắng vui mừng chia sẻ, lúa nếp cái hoa vàng đang là cây chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương. Có những hộ cấy diện tích lên đến 5 mẫu, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ vụ. Đến nay, sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng đã được TP.Hải Phòng công nhận đặc sản của địa phương. Sản phẩm Rượu nếp cái hoa vàng Đại Thắng được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, là một trong 34 đặc sản Hải Phòng giới thiệu tại Chợ Tết Việt hàng năm. /.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.