Đi chợ xuyên biên giới

Thứ hai, ngày 10/02/2014 12:55 PM (GMT+7)
Những năm tháng lang thang du lịch bụi từ châu Á sang châu Âu, một niềm say mê không thể cưỡng lại được ở chúng tôi là sục sạo trong những khu chợ ngồn ngộn những sản vật độc đáo...
Bình luận 0
Những năm tháng lang thang du lịch bụi từ châu Á sang châu Âu, một niềm say mê không thể cưỡng lại được ở chúng tôi là sục sạo trong những khu chợ ngồn ngộn những sản vật độc đáo và đầy ắp phong vị văn hoá bản xứ để cảm nhận cuộc sống thực của những miền đất chúng tôi đã đi qua.

Chợ Chiềng Rai: Những món ngon độc đáo

Có lẽ nên bắt đầu bằng chợ của người Thái, không phải Bangkok, không phải Pattaya, chúng tôi có một buổi chiều hiền hoà đi chợ thực phẩm tại Chieng Rai. Thành phố miền núi này thuộc Bắc Thái Lan (thuộc vùng Tam Giác Vàng, giáp Myanmar, Lào) vẫn còn giữ được những nét hoài niệm xưa với những thớt voi đủng đỉnh ở ngoại ô phục vụ khách du lịch tới thăm những bản làng người Akha, La Hủ. Khu chợ giữa lòng thành phố có sự pha trộn thú vị giữa cách bày biện sạch sẽ, cầu kỳ của một thành phố du lịch đang tiến tới phục vụ “khách hàng toàn cầu” và những sản vật độc đáo địa phương.

 Mặt hàng mì xào được đóng gói và “pha màu” khá rực rỡ ở chợ Chieng Rai.
Mặt hàng mì xào được đóng gói và “pha màu” khá rực rỡ ở chợ Chieng Rai.

Ting- một cô gái bầu bĩnh người dân tộc Akha ngồi nép bên góc chợ bốc từng nắm... sâu chít nhiệt tình mời tôi mua. Loại sâu này, cùng với châu chấu, dế mèn và cả... gián đang trở thành món ăn đặc sản ở đây. Những con sâu- sau khi qua bàn tay chế biến thành thạo của một đầu bếp ngay trong chợ- đã biến thành đĩa sâu chua ngọt hấp dẫn khiến chúng tôi không hề ngại ngần nếm thử.

Đi sâu vào trong chợ, điều dễ nhận thấy là ở thành phố miền Bắc xa biển này lại bán rất nhiều hải sản. Cách bày bán cũng lạ lùng- nào cá, nào tôm, nào mực... được xếp vào trong những hộp trò nhỏ bằng tre- như kiểu hộp hấp đồ dimsum của Trung Quốc. Những phụ nữ Thái trang điểm cầu kỳ ngồi chau chuốt từng món hàng sao cho thật gọn gàng, sạch sẽ. Người Thái chuộng sự tiện lợi, hầu như khu chợ nào chúng tôi cũng thấy những gian hàng chuyên đóng gói mì tươi ăn liền.

Tất nhiên là không phải cách ăn mì ăn liền như ở Việt Nam. Một phụ nữ tự giới thiệu tên là Or lý giải, mì tươi được làm thủ công rồi nhuộm màu (xanh, đỏ, vàng, tùy loại). Sau đó, tùy khẩu vị của thực khách, người bán sẽ đóng gói kèm với mì cá, thịt, rau và gia vị đủ loại. Khách chỉ việc mua về, xào lên và... măm. Tại khu chợ này, chị Or bán mì ngũ sắc, cách trình bày khá bắt mắt- mì sợi xanh, thanh cua sasimi màu đỏ, trứng nâu, cá nâu đậm và mực trắng... Ngoài ra, Or còn đóng gói kèm một loại bột trang trí nặn hình chú gấu và bọc thịt viên. Gói mì và từng ấy thức ăn đóng kèm mà giá chỉ có 39 bạt, khá rẻ!

Chợ Bogyoke Aung San: Thiên đường đá quý ở Myanmar

Trước khi lên đường tới Myanmar, tôi được một người bạn từng có thời gian sinh sống, công tác ở quốc gia này nhắn nhủ: Dừng chân ở cố đô Yangon mà không đi thăm chùa vàng Shwedagon và đến chợ đá quý Bogyoke Aung San thì kể như chưa biết gì về Myanmar.

Nhân viên bán hàng ở chợ đá quý Bogyoke Aung San luôn niềm nở tư vấn cho khách mua hàng.
Nhân viên bán hàng ở chợ đá quý Bogyoke Aung San luôn niềm nở tư vấn cho khách mua hàng.

Thực tế, cũng không phải ngẫu nhiên mà chợ đá quý tại Myanmar luôn trở thành điểm đến lý tưởng với du khách. Bởi quốc gia Đông Nam Á này là một trong những nước có nhiều đá quý nhất thế giới. Từ những “thung lũng hồng ngọc” Mogok (khu vực Mandalay), Mongshu (bang Shan) và Phakant (bang Kachin), đá quý được chuyển về chợ Bogyoke để bán cho du khách quốc tế.

Đúng 10 giờ sáng, chợ Bogyoke mới mở cửa. Con phố Mahabandoola ở trung tâm Yangon kể từ lúc đó cũng náo nhiệt hẳn lên, khi rất đông khách đến xem và mua hàng. Thực ra, ở Myanmar cũng có chợ Swe Bon Tha rất nổi tiếng về đá quý, nhưng chỉ dành cho dân chuyên nghiệp, còn những người không chuyên như tôi thì được người dân bản địa khuyên nên đến Bogyoke. Ở khu chợ này, thượng vàng hạ cám, cái gì cũng có. Gọi là đá quý nhưng không phải đá nào cũng quý. Những chiếc vòng tay giá 1USD được bán rất nhiều và rất chạy vì… rẻ. Nhiều du khách cũng thích mua chuông gió được chế tạo từ đá với giá 3USD. Còn những viên đá quý đắt hơn thì giá cả dao động khá sâu, từ 40USD tới hàng nghìn USD.

Không có chút kinh nghiệm nào trong việc chọn mua đá quý nên tôi giả vờ… mặc cả khi xem đá. Tuy nhiên, các cô gái bán hàng có khả năng nói tiếng Anh khá chuẩn (do thường xuyên giao dịch với khách nước ngoài) khẳng định: “Hàng nào của nấy. Người Myanmar không nói thách nhiều và luôn nói giá sát với giá trị thực của viên đá bởi điều đó đã tạo nên thương hiệu cho chợ đá quý Bogyoke”.

Theo tư vấn của một số người bạn Việt Nam đi cùng, giá các viên đá ở chợ Bogyoke rẻ hơn nhiều nếu mua ở Việt Nam. Những người bán hàng không nói thách quá nhiều nên khi mặc cả, họ thường chỉ giảm giá tối đa 10-20USD với những viên đá có giá trị cao. Do đa dạng về giá cả nên du khách có thể mua được nhiều loại đá làm quà tặng tùy theo khả năng. Bởi vậy, không ngoa khi khẳng định, chợ Bogyoke chính là “thiên đường đá quý” với du khách đến Myanmar.

Chợ cá ở Campuchia

Từ chợ Thái, chúng tôi vòng sang Campuchia. Sông mẹ vĩ đại Mekong đã mang lại vẻ đặc sắc ở những khu chợ này với cơ man là cá. Khu vực chợ Vòm ở Trung tâm Phnom Pênh và chợ xép Phsa Kandal bày bán đủ loại cá thuộc dạng “của ngon vật lạ- cá bông lau, cá lóc, cá tra... loại 4-5kg được xả ra bán miếng, rồi tôm sông, tôm càng xanh nặng cỡ bắp tay trẻ con nhảy tanh tách trong những giỏ cần xé. Ở chợ Phsa Kandal đặc biệt hơn bởi chợ chỉ bán vào buổi tối, dân bán cá đốt nến kiểu gì đó mà khói mù mịt nên trông chợ có vẻ bảng lảng, liêu trai.

img

Bán cá ở chợ Phsa Kandal, thủ đô PhnomPenh, Campuchia.

Đi chợ Campuchia được cái dễ chịu bởi phần lớn người bán hàng nói được tiếng Việt. Chị Thu- quê Vĩnh Long, bán cá khô tại chợ Vòm cho biết, nguồn cá về chợ chủ yếu từ Biển Hồ. Mùa lũ, có những hôm dân buôn còn mua được cả những con cá tra dầu nặng 40-50kg. Giá cả ở đây cũng không hề rẻ. Như tôm càng xanh loại 3con/kg giá khoảng 60-70.000 riel (tiền Campuchia, tương đương 240-280.000 đồng), đắt gấp rưỡi giá tôm cùng loại ở ĐBSCL. Nhưng điều hấp dẫn ở đây là sự tươi ngon và tiện dụng, hầu hết khách du lịch bụi ít tiền cũng có thể mua cân tôm, cá rồi tìm một quán ven đường thuê nướng hoặc xào me...thơm điếc mũi.

Lê Huyền - Đăng Thúy - Long Nguyên (Lê Huyền - Đăng Thúy - Long Nguyên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem