Đi hết Trường Sa

Thứ bảy, ngày 09/02/2013 08:11 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Quần đảo Trường Sa - cái tên thân thương chỉ cần nhắc đến là gợi nên bao kỷ niệm vui buồn da diết. Trong nghề nghiệp nhà báo của mình, tôi có may mắn đã được đi hết Trường Sa.
Bình luận 0

Đào hầm nuôi gà lợn

Nhắc đến đảo nổi An Bang, ở phía nam Trường Sa, thì có là lính kỳ cựu trên quần đảo này cũng phải ngán ngẩm. An Bang quanh năm sóng phủ tứ bề, và luồng vào đảo hẹp, sóng lừng lúc nào cũng như muốn nuốt gọn bất cứ xuồng bè nào dám cả gan xâm nhập. Theo thượng tá Nguyễn Viết Thuân - Phó Chủ tịch huyện đảo Trường Sa, lúc nào An Bang cũng được mệnh danh đệ nhất gian khó, đi công tác thay thu quân hàng năm mà vào được đảo này, coi như đã hoàn thành 90% chuyến công tác của mình.

img
Lính đảo Trường Sa.

Chuyện sóng gió mà những người lính ở đảo phải chịu trận là việc muôn thuở không bao giờ tránh được. Cái cảnh nuôi con gì chết con đó đã được bộ đội ta ở đảo khắc phục bằng cách đào hầm để chăn nuôi, đào hố để trồng rau. Là người đã ăn 2 cái tết trên đảo An Bang, thiếu tá Phạm Quang Hướng- Chính trị viên đảo đã hiểu được thời tiết từng ngày ở đảo kể với chúng tôi: “Riêng sóng ở An Bang bao giờ cũng là “đặc sản”, tuy là biển nhưng sóng to cá cũng không ở được, còn những vườn rau của bộ đội trồng, chỉ sau 1 trận sóng trùm lên là lại cháy hết, mang tiếng là đảo nổi nhưng khí hậu khắc nghiệt, rau xanh khó trồng hiếm hơn cả đảo chìm. Nhiệt độ ban ngày thì thường xuyên trên 38 độ C, còn ban đêm thì lại lạnh như mùa đông miền Bắc. Để bữa cơm của bộ đội không phải ăn mãi giò sắt (thịt hộp), anh em đã phải xây hầm, xây bể để nuôi gà, nuôi chó, nếu để cho gà, chó đi lại tự do trên đảo chỉ chớp mắt một cái là bị sóng kéo xuống biển. Trên đảo, anh em năm nào cũng trồng cây nhưng chỉ có mỗi bàng vuông và phong ba là tồn tại được còn các loại cây khác mà nảy mầm được ở đây thì đều là kỳ tích”.

Tuy điều kiện khó khăn như vậy nhưng cho đến hôm nay, đảo An Bang sau 3 năm làm bể xây hầm chăn nuôi đã phát triển đàn gia cầm hàng trăm con, và 6 con lợn thịt đảm bảo bữa ăn tươi cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo 3 tháng tổ chức được 1 lần.

Những ngọn hải đăng khổng lồ

Đi từ Bắc xuống Nam của Trường Sa, đầu tiên ta bắt gặp đảo Song Tử Tây với ngọn hải đăng cao sừng sững. Hiện tại, Song Tử Tây đã có hàng chục hộ dân định cư lâu dài coi đây là quê hương thứ 2, Song Tử Tây còn là nơi trú tránh của ngư dân nước ta mỗi khi gặp dông bão, hay thiếu dầu, thiếu nước ngọt cho mỗi lần bám biển bám khơi dài ngày, vì ở đây đã có âu tàu đủ chỗ cho cả trăm tàu cá neo đậu an toàn. Chiều đến nhìn cái cảnh mặt trời lặn xuống biển, trong tiếng chuông chùa thanh tịnh trốn đảo xa, nhìn đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ và lũ lợn thỉnh thoảng lại hứng đua nhau chạy trên sân vận động, chúng tôi cứ ngỡ mình đang ở trong một ngôi làng nào đó trên đất liền, chứ không phải Song Tử Tây điểm cực bắc Trường Sa.

img
 

Cũng nằm trên nhánh bắc là đảo Nam Yết - một trong 3 đảo lớn của nước ta. Nam Yết như một con rồng nhô lên giữa Biển Đông, toàn đảo được bao phủ bằng những rừng nhàu xanh rợp, bộ đội trên đảo biết ngâm trái nhàu làm mứt, chế trái nhàu ra thuốc chữa bệnh đau đầu, và khách phương xa tới đảo bao giờ ra về cũng được tặng một bình thuốc làm từ rễ nhàu, trái nhàu để phòng nhiều bệnh.

Nhưng đẹp nhất, mướt mát nhất vẫn phải nói đến đảo Sơn Ca, đảo không lớn nhưng nhìn từ xa Sơn Ca chỉ có một màu xanh óng ả, bởi một thảm hoa muống biển. Ở đây, ta có thể thấy muống biển ở khắp nơi, hoa phủ lên công sự che kín những nhà kho. Không chỉ có vậy mà Sơn Ca còn có món dừa đặc sản vị ngọt thanh mát.

Còn những ai có tâm hồn lãng mạn khi đặt chân lên Sinh Tồn không khỏi ngỡ ngàng vì hoa mù u, trái mù u. Cả đảo Sinh Tồn nổi bật là những cây mù u cổ thụ, có lẽ cũng thành những “cụ” mù u cả trăm năm tuổi rồi, bóng mát phủ kín cả khu nhà chỉ huy đảo. Nhích về nhánh giữa là hòn đảo nổi duy nhất được mang tên người Anh hùng Phan Vinh, đây là một hòn đảo chiến lược trong tương lai, vì có bãi cạn rộng mênh mông. Chính vì thế đặc sản ở Phan Vinh phải kể đến những ổ tôm hùm nhung nhúc và có cả con tôm cụ to như cái phích. Được ăn một bát mì do lính đảo Phan Vinh thiết đãi, khách phải lựa mãi vì tôm hùm nhiều hơn cả mì, trời ơi sao mà nhớ đời thế?

Đúng là có đi hết Trường Sa, người ta mới thấm, mới ngấm và mới yêu thêm Tổ quốc mình.

Nhưng đầy đủ nhất, xứng đáng nhất phải là Trường Sa Lớn được ví là “thủ đô” của quần đảo. Trường Sa lớn có cầu cảng đủ để tàu nghìn tấn ghé vào, có đường băng cho máy bay cất hạ cánh. Ngoài ra còn có trường học, Nhà lưu niệm Bác Hồ, Nhà khách Thủ đô, và ngôi chùa đại diện cho lòng thiện và sự bình an của quân dân trên đảo. Trường Sa lớn giờ nhiều đặc sản lắm, cũ thì có những quả bàng vuông to như trái dừa xiêm, mới thì có những vườn đu đủ sai lúc lỉu, quả to như trái bí mà ngọt như xoài, vì dưới bề mặt của đảo là phân chim dày cả mét, nên cây gì hợp là trái to như thổi.

Nhắc đến đảo nổi, còn phải kể đến Trường Sa Đông và Sinh Tồn Đông, đây là 2 hòn đảo nổi nhỏ nhưng có nhiều kỳ tích trong chăn nuôi và đánh bắt cá.

Tất cả những đảo nổi này, vào ban ngày thì dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường bởi một màu xanh mướt mát, còn ban đêm thì đảo nào cũng sáng bừng bởi hàng nghìn bóng đèn cao áp, được thắp sáng bởi hệ thống điện năng lượng mặt trời và quạt gió cung cấp điện.

Tình đảo chìm

Đã về đến bờ rồi nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được điện thoại của thượng uý Nguyễn Văn Ngọc- Đảo trưởng đảo chìm Thuyền Chài, lần nào cũng khoe: “Đảo em giờ khác lắm rồi, tết anh lại ra nhé”. Làm tôi nhớ mãi người em quê Hà Nội, khi gặp nhau ở đảo chìm, Ngọc kể: “Có khách với đảo là tết sớm rồi, biết có đoàn ra công tác, chúng em chuẩn bị đón từ 2 tuần nay, chăm vườn rau tốt và bắt cá về nhốt ở lồng, dành những con ngon nhất để thiết đãi anh em”. Tôi nhớ những con cá bò bọc thép có bộ hàm gớm ghiếc sắc nhọn như hàm sói và bộ vây cứng như thép, xiên đâm không thủng, nhưng bù lại, thịt ngon như thịt gà, lúc nào cũng là đặc sản để lính Trường Sa đãi khách.

Phải nói rằng tài chế biến món ăn của lính đảo chìm không chê vào đâu được, 8 mâm cơm dọn ra đều tăm tắp như nhà hàng 5 sao, với món cá bò sừng hấp, bò bọc thép xào, cù mai làm tái và không thể thiếu món canh rau bầu đất và món rau sống giá đỗ trộn rau cải non. Cái mâm cơm này ở bờ có giá tới vài triệu đồng nhưng Ngọc cười và nói: “Một năm trên đảo chìm có 2 lần “Tết”, đó là khi có đoàn ra công tác, do vậy chúng em thấy khách ăn ngon và ăn no là vui lắm rồi”. Tôi bùi ngùi khi biết ở quê, mẹ Đảo trưởng Ngọc đang giục anh lấy vợ mà Ngọc vẫn chưa có mảnh tình nào vắt vai nào vì ở miết đảo xa.

Hôm chia tay đảo chìm đá Tây điểm A, tôi cứ nhớ mãi lời hứa của Đảo trưởng Nguyễn Văn Tĩnh: “Biết đảo chìm là vất vả, đôi khi cô đơn nhưng “quê” yên tâm (lính Trường Sa khi thân thiết chỉ gọi nhau bằng “quê”), tôi xin hứa sẽ khắc phục mọi khó khăn để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Chúng tôi đi qua những đảo chìm Đá Nam, Đá Đông, Đá Thị, Đá Lớn, Tiên Nữ, Len Đao... ở đâu cũng cảm nhận được lời hứa của anh Tĩnh.

Đúng là có đi hết Trường Sa, người ta mới thấm, mới ngấm và mới yêu thêm Tổ quốc mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem