Đi học cũng có thu nhập

Thứ năm, ngày 20/10/2011 14:08 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mô hình liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp để dạy nghề theo hình thức "vừa học, vừa làm" ở xã Nghiêm Xuyên, Thường Tín, Hà Nội đang phát huy hiệu quả, với hàng trăm lao động được học nghề thêu ren.
Bình luận 0

Ông Hoàng Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên cho biết, những năm gần đây, xã liên tục tổ chức dạy nghề thêu ren cho người dân trong xã. Chỉ riêng năm 2010, xã đã mở 4 lớp, mỗi lớp 50 học viên. Năm 2011, đã mở được 2 lớp, với 100 học viên chủ yếu là nữ. Dự kiến từ nay đến cuối năm, xã sẽ mở thêm 2 lớp, khoảng 120 học viên và năm tới sẽ dạy thêm nghề nuôi trồng thủy sản.

img
Em Nguyễn Thị Hương thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng từ nghề thêu ren.

Cùng doanh nghiệp dạy nghề

"Chúng tôi không tổ chức dạy trong các trường, trung tâm mà chủ yếu liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp chuyên làm hàng thêu ren để dạy nghề với hình thức vừa học, vừa làm. Phương pháp này rất hiệu quả, nhiều cơ sở sau khi dạy nghề họ còn nhận học viên vào làm, hoặc nhận bao tiêu sản phẩm, nên bà con rất yên tâm về đầu ra” - ông Thanh cho hay.

Hiện xã Nghiêm Xuyên có gần 20 cơ sở, doanh nghiệp thêu ren, nhiều cơ sở đang tạo việc làm thường xuyên cho từ 30- 100 lao động, với thu nhập từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng. Đây là lợi thế để xã nhân rộng mô hình liên kết dạy nghề này.

Theo ông Thanh, mô hình này có rất nhiều cái được. Cái được thứ nhất là học đi đôi với thực hành nên bà con rất nhanh biết nghề; thứ hai họ không chỉ được học miễn phí mà còn được hưởng 70% lương trong thời gian học việc; thứ ba là sau khi học xong, ai có nhu cầu sẽ được các cơ sở, doanh nghiệp nhận làm, hoặc nhận bao tiêu các sản phẩm khi họ làm ra.

Lúc đầu triển khai mô hình, xã gặp rất nhiều khó khăn, do phía các cơ sở, doanh nghiệp không hợp tác. Tuy nhiên, khi hiểu được lợi ích từ việc liên kết dạy nghề này, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng phối hợp cùng xã dạy nghề cho bà con. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ cho các cơ sở nhận dạy nghề với một khoản kinh phí nho nhỏ.

Thu nhập ổn định

Nghiêm Xuyên là xã thuần nông, với 1.320 hộ, 5.600 nhân khẩu. Những năm gần đây nhờ mô hình dạy nghề liên kết phát triển, với hình thức "người biết truyền nghề cho người không biết", đến nay xã có khoảng 70% số hộ làm nghề thêu ren, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Chị Nguyễn Thị Loan, chủ một cơ sở thêu ren ở thôn Nghiêm Xá cho biết, nếu nhận liên kết với xã thì cơ sở chị mới đào tạo cho gần 100 học viên, nhưng tính cả những học viên cơ sở đào tạo miễn phí theo hình thức học việc thì có tới hàng trăm người. "Hiện cơ sở tôi có 60 công nhân, với lương từ 2,5-4 triệu đồng/người/tháng. Làm nghề thuê cần có nhiều người, mình biết nghề thì dạy cho bà con, giúp bà con có nghề, có thu nhập cũng là giúp mình mà" - chị Loan tâm sự.

Nếu làm các sản phẩm chất lượng cao mỗi tháng cũng được 3 - 4 triệu đồng, thu nhập không cao, nhưng công việc nhàn và ổn định.

Nhờ được học nghề, có việc làm nên kinh tế gia đình chị Nguyễn Thị Ngọt, thôn Nghiêm Xá ngày càng khấm khá, chị Ngọt cho hay: "Nhà tôi có 4 khẩu nhưng chỉ có 5 sào ruộng. Trước kia làm mùa xong vợ chồng lại kéo nhau lên Hà Nội làm thuê, nay có nghề ngồi trong nhà thêu cũng được 80.000 - 90.000 đồng/ngày, lại còn làm được việc nhà".

Học hết cấp 3, không có điều kiện học tiếp, em Nguyễn Thị Hương thôn Nghiêm Xá đã may mắn được học nghề thêu ren. Với bàn tay khéo léo, Hương đã dệt thành công nhiều bức tranh, tác phẩm đẹp mang đậm tính nghệ thuật, kỹ thuật thêu ren nên đạt ngày công khá cao. "Nếu làm các sản phẩm chất lượng cao mỗi tháng cũng được 3 - 4 triệu đồng, trung bình là 3 triệu đồng/tháng, thu nhập không cao, nhưng công việc nhàn và ổn định" - Hương cho hay.

Mấy năm gần đây nhờ có nghề, ở Nghiêm Xuyên nhiều nhà tầng khang trang mọc lên, đường sá làng được bê tông hóa từ đầu xã đến cuối thôn...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem