Đi lên trên “nền” truyền thống

Thứ ba, ngày 17/05/2011 04:47 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một trong những nghệ nhân lừng danh của làng mây tre đan Ngọc Động (xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, Hà Nam) là ông Nguyễn Văn Minh.
Bình luận 0

Từ vinh dự được đan ghế mây tặng Bác Hồ, ông đã nỗ lực cùng lớp con cháu phát triển làng nghề, giữ việc làm cho hàng ngàn lao động nơi đây.

Bộ bàn ghế kỳ công

img

Ông Minh và những sản phẩm từ mây, tre.

Ông Nguyễn Văn Minh sinh năm 1941 tại làng Ngọc Động- cái nôi của nghề mây tre đan. Vốn thông minh lại ham học hỏi, năm lên 10 tuổi Nguyễn Văn Minh đã trở thành một trong những thợ trẻ nhất làng.

Ông Minh kể, năm 1957, nghe tin khánh thành nhà sàn Bác Hồ, các cụ cao niên trong làng Ngọc Động đã đề xuất ra ý tưởng làm bộ ghế mây tặng Bác. Bấy giờ, trong làng đã tổ chức thi tuyển và chọn ra những người có tay nghề giỏi để được tham gia vào đội làm ghế mây tặng Bác Hồ. Trong số 7 người được chọn, ông Minh mới 16 tuổi, là người trẻ nhất. Minh và cụ Nguyễn Thế Thực được giao phụ trách khâu kéo sợi mây.

Để làm bộ bàn ghế mây này, theo ông Minh là rất kỳ công và cẩn thận. Mây phải là những cây có tuổi đời từ 10- 25 năm, thân có màu vàng óng. Các sợi mây tước bằng tay, sau đó kéo cho thật bóng, dẻo. Cây song có tuổi đời vài trăm năm được dùng uốn khung. Khâu quan trọng nữa là chọn sơn, phải là cây sơn ta ở Phú Thọ, quấy 3 ngày đêm cho có màu đen bóng thì mới đem ra sơn. Sau gần một tháng miệt mài làm, nhóm thợ đã hoàn thành bộ 6 chiếc ghế salon và một chiếc ghế chao đem lên Hà Nội biếu Bác. Năm 1957, Bác Hồ về ở và làm việc tại nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, chiếc ghế chao được kê ở tầng 1 dành cho Người nghỉ ngơi.

Vinh dự xưa, làng nghề nay

Những lớp thợ Ngọc Động luôn trăn trở tìm cách nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã tìm kiếm thị trường ở Tây Âu và các nước Đông Nam Á. Nhờ vậy làng nghề đã trụ vững và đi lên...

Năm 1957, tổ hợp làng nghề Ngọc Động nhận được một món quà 50 đồng và một lá thư của Bác Hồ có đoạn: "Bác trích tiền tiết kiệm của Bác dành dụm được tặng các chú 50 đồng làm vốn để các chú khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống mây tre đan ở địa phương".

Lá thư của Bác đã động viên tinh thần đoàn kết hăng say làm việc và vực dậy làng nghề mây giang đan Ngọc Động nổi tiếng trong và ngoài nước như ngày hôm nay. Ông Minh nhớ lại: "Cũng như nhiều làng nghề khác, nghề mây tre đan ở Ngọc Động đã gặp không ít khó khăn khi chuyển đổi cơ chế. Song những lớp thợ Ngọc Động đã trăn trở tìm cách nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã tìm kiếm thị trường ở Tây Âu và các nước Đông Nam Á. Nhờ vậy làng nghề đã trụ vững và đi lên".

Quá trình đó, ông Minh cũng tham gia một cách tích cực, không những chủ động sáng tạo mẫu mã, ông còn tích cực truyền nghề cho lớp trẻ. "Các sản phẩm như bát, đĩa, khay, lọ hoa, lọ độc bình, lẵng hoa hiện nay rất đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Có những lọ độc bình cao đến 1,8m, giá xuất xưởng xấp xỉ 800.000-1 triệu đồng"- ông Minh nói

Năm 1990, ông Minh lại vinh dự được mời dẫn đầu đoàn thợ giỏi nhất thôn Ngọc Động đi sửa chữa, phục hồi lại chiếc ghế đã tặng Bác năm xưa. Cũng chính sau lần này, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huy hiệu Hồ Chí Minh. Đây là phần thưởng cao quý mà ông luôn nâng niu cất giữ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem