“Dị nhân” cuối cùng giữ lửa nghề rèn ở phố cổ Hà Nội

Vân Anh – Mai Dung Thứ ba, ngày 10/05/2022 08:13 AM (GMT+7)
Giữa những tiếng âm thanh hỗn độn của máy hàn, máy cắt từ các nhà máy cơ khí, sắt, thép, inox,.. dọc phố Lò Rèn, ở một góc nhỏ khoảng 2-3 mét vuông vẫn còn bếp lò rèn thủ công của ông Hùng ngày đêm đỏ lửa.
Bình luận 0

Tại phố cổ Hà Nội, vẫn còn một người thợ rèn miệt mài ở góc phố, với quyết tâm giữ nghề của cha ông. Đó là ông Nguyễn Phương Hùng (Sn 1960) – người thợ rèn cuối cùng của khu phố cổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bén duyên với nghề rèn từ khi còn nhỏ

Đôi tay thoăn thoát liên tục cho những miếng kim loại vào lò nung cùng với gương mặt ám đen bụi than, quần áo nhễ nhãi mồ hôi dưới cái nóng 1.000 độ của lò nung, ông Nguyễn Phương Hùng là hiện thân của một người thợ rèn từ thủa xa xôi còn duy trì nghề tổ. Ông cũng là đời thứ ba sử dụng bếp lò rèn này làm kế sinh nhai.

“Dị nhân” cuối cùng giữ lửa nghề rèn ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phương Hùng (1960) – người thợ rèn cuối cùng của khu phố cổ Hà Nội. Ảnh Mai Dung

"Khi 10 tuổi, tôi bắt đầu theo bố làm nghề này, ban đầu chỉ ra phụ bố nhặt than, nhóm lửa sau đấy mới học dần lên vì lúc ấy ông cụ muốn con cái làm nghề sớm cho cứng. Ông nội truyền lại nghề, bố tôi nhờ cái bếp rèn mà nuôi 7 người con ăn học đàng hoàng. Đến tôi là đời thứ 3", ông Hùng tâm sự. 

Ông Hùng kể rằng, ông đã từng rất ghét công việc này vì khi làm nghề này người lúc nào cũng lấm len, mồ hôi ướt đẫm và lúc nào cũng ngồi cạnh lò than rất nóng. 

Thế nhưng khi gắn bó với công việc này lâu hơn, ông Hùng lại cảm thấy thích thú vì vừa có thu nhập ổn định nuôi cả gia đình, vừa nuôi được hai đứa con tốt nghiệp đại học: "Nghề này tuy vất vả nhưng khi làm thì tâm hồn thoải mái, có ích cho cuộc sống", ông Hùng bộc bạch.

"Lãnh địa" của ông Hùng chỉ vỏn vẹn có 2-3m mét vuông ngay mặt đường, nằm ngay đầu phố Lò Rèn tấp nập người qua lại. 

Cửa hàng gia đình nên không có giờ mở cửa cố định, không nhất thiết theo giờ giấc, cứ khi nào thích thì ông làm việc, bình thường ông mở từ 7 giờ sáng đến 5-6h chiều, hôm nào bận thì có thể mở tới 22 giờ đêm.

“Dị nhân” cuối cùng giữ lửa nghề rèn ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 3.

"Lãnh địa" của ông Hùng chỉ vỏn vẹn có 2-3m mét vuông ngay mặt đường, nằm ngay đầu phố Lò Rèn tấp nập người qua lại. Không mất công bày trí "cầu kì", cửa hàng của ông Hùng chỉ để những vật dụng càn thiết như: Búa, lò nung, những sản phẩm kim loại mà khách hàng đặt của ông. Ảnh Vân Anh

Theo ông Hùng, thợ rèn là một nghề công phu, để theo đuổi được với nghề phải có một tình yêu đặc biệt. Hoàn thiện một sản phẩm, phải trải qua nhiều giai đoạn tỉ mẩn. Nghề rèn nhìn qua thì dễ nhưng không phải ai cũng làm được. 

Người thợ phải có cái tâm, sức khỏe, sự dẻo dai và sức chịu đựng cùng sự kiên trì. Từ việc nung sản phẩm ở nhiệt độ thích hợp tới đập búa với lực thế nào cho vừa đủ, đều phải hết sức chuyên tâm. 

"Cũng đã từng có rất nhiều người đến để học hỏi nghề này từ tôi, nhưng sau một thời gian họ thấy vất vả quá nên từ bỏ", ông Hùng chia sẻ.

Người duy nhất còn lưu giữ nghề rèn kim loại

Theo lời kể của ông Hùng, từ ngày ông sinh ra, khắp các con ngõ lớn nhỏ của phố cổ Hà Nội đều rộn rã tiếng búa, tiếng đe, tiếng cười nói, gọi nhau cũng to hơn bình thường để lấn át thứ âm thanh đặc trưng của nghề rèn. Con phố nhỏ nhưng có tới hàng chục chiếc lò thủ công, nhà nào nhà nấy đều mải miết làm nghề.

“Dị nhân” cuối cùng giữ lửa nghề rèn ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 4.

Đối với nghề rèn không chỉ đòi hỏi sức khỏe, tinh thần thép, người thợ còn phải có sự khéo léo, tỉ mỉ để từng động tác phải thật sự thanh thoát và có độ chính xác cao. Ảnh Vân Anh.

Thế nhưng khi xã hội ngày càng phát triển, những cửa hàng cửa hiệu khang trang bán đồ sắt, vật liệu xây dựng đã dần "lấn át" những xưởng rèn thủ công mà bấy nhiêu năm ông cha mất công gây dựng. 

Nhiều gia đình "lâm vào thế bí" đành phải lận đận đổi nghề sang làm nghề hàn sắt, làm đồ sắt xây dựng như: Làm cầu thang, cửa cuốn, cửa sổ hoa sắt, làm đồ inox hay làm gia công cơ khí chính xác...

Đến nay, tại con phố cổ, ông Hùng là người duy nhất vẫn kiên trì theo đuổi nghề này. Mỗi tháng công việc này cũng đem về thu nhập cho gia đình ông Hùng cả chục triệu đồng.

"Nghề không phụ mình, mình không phụ nghề, giờ nghề này này không còn ai để bon chen nên cuộc sống của tôi rất thanh thản, tôi yêu cuộc sống, yêu những sản phầm mình làm ra, tôi chỉ sợ sau này không có sức khỏe để tiếp tục công việc này".

Khi được chúng tôi hỏi về việc ông có muốn truyền lại nghề cho con cháu hay không, khuôn mặt tươi cười của ông bỗng chốc trầm xuống, đôi mắt có chút trầm tư: "Tôi cũng muốn truyền lại cho con cháu nhưng thời đại này chẳng ai muốn theo cái nghề vất vả này nữa".

“Dị nhân” cuối cùng giữ lửa nghề rèn ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 6.

Chia sẻ với PV, ông Nam, một khách hàng đến cửa hàng sửa mũi đục kim loại cho biết: "Tôi rất tin tưởng tay nghề của ông Hùng nên hễ trong gia đình có vật dụng gì bằng kim loại như: dao, kéo, nẹp bàn ghế,.. tôi thường mang đến đây nhờ ông Hùng sửa lại. Bởi những thứ nhỏ nhặt như vậy thường thì mọi người thấy cũ thì bỏ, nhưng chỉ có ông Hùng là có thể biến chúng gần như mới trở lại".

Hàng chục năm nay, người thợ rèn nhìn con phố của mình đổi thay. Những người đến rồi đi, nhiều cửa hàng mở ra rồi đóng lại... Hàng ngày, dòng người qua đây vẫn thấy ông miệt mài làm công việc của mình như chẳng để tâm tới sự đời. 

Thời đại công nghệ phát triển, nhưng chẳng có máy móc nào có thể thay thế được bàn tay con người, nhất là với những công việc cần đến sự khéo léo, tỉ mỉ như nghề rèn. 

Cũng vì thế, hơn mười năm nay, khi cần mua sắm hay sửa đồ sắt gia dụng như mũi khoan, kéo, đinh ốc… nhiều người vẫn tìm đến lò rèn của ông Nguyễn Phương Hùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem