Thuở vàng son…
Các cụ trong làng kể lại rằng, chèo Tàu ở Tân Hội trước kia vốn được xem là một nghi lễ nhằm tưởng nhớ viên tướng tài ba thời hậu Trần là Văn Dĩ Thành - người đã có công đánh đuổi quân Minh xâm lược, quyết tử để bảo vệ quê hương và hiện được tôn là Thành hoàng làng của Tân Hội.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2011/images/2011-11-19/1434703351-277_10_cheo-tau.jpg) |
Câu lạc bộ Hát chèo Tàu Tân Hội. |
Chèo Tàu còn có tên gọi khác là hát tàu tượng, sở dĩ vậy vì để biểu diễn, phải đóng những con voi và thuyền lớn bằng gỗ, người tham gia diễn xướng được phân vào các “vai” chúa tàu, cái tàu (người chỉ huy tàu), con tàu, quản tượng... đứng trên thuyền, trên voi để hát theo những làn điệu cổ.
Ngoài số lượng chúa tàu, cái tàu, con tàu và quản tượng, 4 thôn còn chọn lựa 50 cô gái xinh đẹp và 200 “hàng đô” (nam thanh niên) để cầm cờ, cầm lọng, đánh trống, khiêng kiệu.
Ông Đông Sinh Nhật - Phó Chủ nhiệm CLB Hát chèo Tàu Tân Hội cho biết: “Hầu hết những người tham gia phục vụ Lễ hội chèo Tàu phải là những nam thanh nữ tú. Con trai thì cường tráng khôi ngô, con gái thì phải có thanh, sắc và những tiêu chuẩn nhất định về phẩm chất...”.
Sau nhiều năm thất truyền, năm 1998, với sự quan tâm của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây (cũ), chèo Tàu chính thức được tái hiện lại nhờ tâm huyết của nhiều đào hát và CLB Hát chèo Tàu Tân Hội.
Việc truyền dạy những làn điệu của hát chèo Tàu chủ yếu bằng hình thức “truyền khẩu” qua trí nhớ của các nghệ nhân, các cụ cao tuổi trong làng. Để những ca từ mượt của chèo Tàu đã vượt qua thử thách của thời gian tiếp tục toả sáng, giúp thế hệ học sinh hôm nay hiểu hơn về thế hệ cha ông trong những ngày tháng hào hùng nhất của dân tộc, trước hết phải kể đến công lao của 2 nghệ nhân đầy tâm huyết là bà Nguyễn Thị Thu và ông Đông Sinh Nhật - Chủ nhiệm CLB Hát chèo Tàu Tân Hội.
Nỗ lực cứu di sản
Khi nhắc đến thăng trầm lịch sử của chèo Tàu, ông Đông Sinh Nhật than thở: “Hồi trước, trong làng có cụ Tiến Thị Lục, cụ Mạch và cụ Nhung là những cây đa, cây đề nức tiếng về hát chèo Tàu hay, đồng thời thuộc nhiều làn điệu chèo Tàu cổ.
Các cụ biết chúng tôi có mong muốn phục dựng lại chèo Tàu thì vui lắm, sẵn sàng đem hết công sức để gây dựng lại nét văn hóa truyền thống quê hương. Thế nhưng sau khi được phục dựng lại một lần vào năm 1998, đến giờ ước mong được tổ chức một hội theo đúng nghi thức cũng đang gặp nhiều khó khăn”.
Hiện nay, CLB Hát chèo Tàu Tân Hội có 50 người tuổi từ 18 - 20, mỗi khi có hội hát, chương trình giao lưu là CLB lại họp mặt các thành viên đông đủ. Một điều đáng mừng là dạy hát chèo Tàu hiện được đưa vào chương trình học của các em học sinh xã Tân Hội.
Ông Đông trăn trở: “Hiện tại, để tổ chức một lễ hội chèo Tàu theo đúng nghĩa thì khó lắm. Vì trong lễ hội chèo Tàu độc đáo nhất là thuyền và voi, nhưng giờ đây đôi voi và chiếc thuyền cũng không còn nguyên vẹn, dần xuống cấp. Thế nên ý định thực hiện một nghi thức hội hát chèo Tàu vẫn là ước ao của chúng tôi.
GS - TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định: “Chèo Tàu, giờ đây không chỉ là của riêng Tân Hội. Việc gìn giữ và bảo tồn chèo Tàu không thể là công việc của một người và có thể tiến trong ngày một ngày hai, nó phải là sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.
Hãy “gửi” chèo Tàu vào trong nhân dân, để nhân dân giữ cho, khi nào cần thi đem ra trưng bày mới tốt. Vì chèo Tàu gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân, phản ánh ước nguyện sống của nhân dân thì nên để họ được hưởng thụ”.
Hồ Phương Phúc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.