Di sản Huế hấp dẫn du khách từ sự đổi mới

TRẦN HÒE Thứ tư, ngày 20/01/2016 09:08 AM (GMT+7)
Năm 2015 là một năm thành công rực rỡ của di sản Huế khi hàng chục công trình quan trọng được trùng tu, doanh thu từ vé tham quan tăng hơn 67,5 tỷ đồng.
Bình luận 0

Năm 2015, dù nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa bị cắt giảm, nhưng cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vẫn được đầu tư 164,7 tỷ đồng cho trùng tu di tích, bằng 183% so với năm 2014. Nhờ đó, hàng chục công trình quan trọng của khu di sản Huế được trùng tu hoàn nguyên giá trị, như: Triệu Miếu, trường lang Tử Cấm Thành, Nhật Thành Lâu, vườn Thiệu Phương, Tả Tùng Tự, lầu Tàng Thơ, sông Ngự Hà, điện Gia Thành (lăng Gia Long), Tả Hữu Tùng Viện (lăng Thiệu Trị), điện Ngưng Hy (lăng Đồng Khánh), nhiều công trình của lăng Tự Đức…

img

Du khách tham quan Đại nội Huế. Ảnh:   Trần Hòe

Cùng với việc trùng tu hàng loạt công trình, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Những người làm việc tại di tích Huế, từ bảo vệ, nhân viên bán vé, thuyết minh viên, người bán hàng lưu niệm đến cán bộ công nhân làm công tác trùng tu đều phải nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ.

Điều này đã giúp cải thiện rất tích cực lề lối làm việc, cung cách phục vụ của đội ngũ cán bộ viên chức, người lao động thuộc Trung tâm. Nhờ vậy, lượng du khách đến thăm khu di sản Huế đã tăng lên đáng kể. Năm 2015 đã có hơn 2,2 triệu lượt du khách đến thăm khu di sản, và đây là năm đầu tiên khách quốc tế có số lượng nhiều hơn khách Việt Nam (tăng 20% so với năm 2014). Doanh thu từ vé tham quan di tích đạt hơn 207,5 tỷ đồng (bằng 121,7% kế hoạch giao), tăng hơn 67,5 tỷ đồng so với năm 2014.

TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, những thách thức trước mắt đối với di sản Huế là không ít. Đó là việc nguồn vốn từ ngân sách dành cho trùng tu bảo tồn các di sản là rất hạn hẹp, trong khi nhu cầu về trùng tu hàng trăm công trình di tích là rất bức thiết. Rồi việc hàng ngàn hộ dân đang sống trong vùng lõi các di tích làm ảnh hưởng trực tiếp đến di sản và gây ra vô vàn hệ lụy về đô thị, môi trường.

Trước tình hình đó, Trung tâm đã và đang xây dựng kế hoạch trung hạn (2016-2020) với những giải pháp cụ thể được tổng hợp từ thực tiễn của công cuộc bảo tồn di sản Huế mấy chục năm qua. Theo đó, nguồn vốn đầu tư cho trùng tu di sản sẽ đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa lấy từ việc thu phí tham quan và huy động nguồn lực xã hội. Trung tâm cũng đồng thời xây dựng dự án vay vốn từ trái phiếu Chính phủ để huy động khoảng 2.000 tỷ đồng nhằm di dời hơn 1.200 hộ dân sinh sống tại khu vực Kinh thành, Hộ Thành Hào, chỉnh trang đô thị và bảo tồn các di sản quan trọng tại khu vực này.

Ngoài ra, Trung tâm sẽ lắp đặt hệ thống thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, hệ thống bán vé tự động, nâng cấp hệ thống camera giám sát các điểm di sản quan trọng, hệ thống wifi miễn phí trong địa bàn khu di sản…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem