Di sản không phải là món hàng

Thứ ba, ngày 22/03/2011 06:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc tu sửa đình Trần Đăng ở xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hoà, Hà Nội có thể để lại một số kinh nghiệm đáng lưu tâm đối với công tác trùng tu di sản.
Bình luận 0

Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với KTS, hoạ sĩ Lý Trực Dũng - người trực tiếp khảo sát, nghiên cứu và tổ chức thi công việc sửa chữa ngôi đình.

KTS Lý Trực Dũng cho biết: Ngôi đình có từ thời Trần, thờ tướng quân Cao Lỗ với nhiều giá trị độc đáo đã dột nát kinh khủng, cửa giả sơ sài, tường ẩm mốc, ngói mục, nhiều bộ phận gỗ ẩm mục, phải chống bằng cột hoặc xây vòm gạch đỡ cho khỏi đổ…

img
Đình Trần Đăng trước khi cải tạo - ảnh do KTS Lý Trực Dũng cung cấp.

Với mức độ xuống cấp nặng như thế, các ông có phải tháo dỡ đình để cải tạo không?

- Chúng tôi xác định nếu hạ giải thì coi như bỏ luôn phần mái đình với 4 con nghê bằng sành rất đẹp được gắn từ thời Lê cùng những đường gạch hoa chanh và những đường gốm chạy toả ra 4 đầu đao. Vì dù về sau có gắn lại hay đắp mới vào thì cũng không thể trung thực như cũ được.

img
KTS, hoạ sĩ Lý Trực Dũng

Chưa kể nếu hạ giải theo kiểu "con nhà giàu" thế thì kinh phí sẽ không thể đủ (cười)! Chúng tôi xác định cố gắng giữ gìn tối đa các bộ phận, chi tiết và làm một hệ thống sắt thép kiên cố để chống đỡ mái, sau đó tiến hành các bước cải tạo, sửa chữa.

Các bộ phận đã được xử lý thế nào?

- Một số bộ phận phải thay mới như những tấm cửa bức bàn, 4 cột đá chống 4 mái đao thay cho nhưng cột gạch, vữa rất tạm bợ, tường bao được dỡ, xây lại, quét chất chống thấm, ngói được cải tạo, luồn vào giữa một lớp vật liệu đặc biệt chống thấm, dột gồm xốp và nhôm giữa để ở ngoài và trong vẫn chỉ nhìn thấy ngói.

Các cột, thay mới ba cái mục toàn bộ, còn thì mục ruỗng đoạn nào thay gỗ đoạn ấy. Các điều kiện kỹ thuật cũng phải cải tạo để giúp việc sinh hoạt văn hoá ở đình được thuận tiện như sửa điện, ánh sáng, hệ thống máy bơm tự động, công trình phụ riêng nam - nữ thay cho một nơi chen chúc trước kia, rất bẩn!

img Thực tế đang đặt ra vấn đề thái độ của chúng ta trước di sản. Các nhà quản lý và chúng ta cần tự vấn liệu ta đã thực sự có tâm với di sản chưa? Di sản không thể trở thành món hàng để kinh doanh, di sản cũng không phải để khoe, mà để gìn giữ. img

Bây giờ đình đã vững chắc, khang trang và môi sinh được giữ gìn, trở thành nơi sinh hoạt, hội họp công tác Đảng, phụ lão, phụ nữ, thanh niên, khuyến học…

Tham gia dự án theo hỗ trợ của Đức, ông rút ra được kinh nghiệm gì trong việc tu sửa di tích này?

- Tôi thấy người tổng chỉ huy một dự án như vậy phải có tay nghề, nắm được cả điện, nước, nề, mộc, có kinh nghiệm và kiến thức văn hoá. Cùng với trách nhiệm bảo vệ di sản thì nguyên tắc phải tuân thủ là tất cả những cái cũ còn chưa hư hỏng phải được giữ lại. Cộng với việc phải giám sát hiện trường, quan tâm đến từng hạng mục nhỏ nhất. Làm đến nơi đến chốn còn tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem