Đi xe đạp có bị thổi nồng độ cồn không?

Quang Trung Thứ năm, ngày 30/03/2023 09:49 AM (GMT+7)
Bạn đọc đặt câu hỏi, đi xe đạp có bị thổi nồng độ cồn không và căn cứ xử phạt người đi xe đạp uống rượu bia?
Bình luận 0

Đi xe đạp có bị thổi nông độ cồn không?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) khẳng định, người điều khiển xe đạp tham gia giao thông là đối tượng bị thổi nồng độ cồn theo quy định pháp luật.

Đi xe đạp có bị thổi nồng độ cồn không? - Ảnh 1.

Ngày 29/3, Đội Cảnh sát giao thông - Công an huyện Yên Châu (Sơn La) đã lập biên bản xử phạt một phụ nữ đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: CACC

Bà Thơ phân tích, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã thêm vào quy định người đi xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện cũng sẽ bị thổi nồng độ cồn như các loại xe máy và xe ô tô.

Cụ thể, tại điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt  người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

So với trước kia, Nghị định 46/2016/NĐ-CP không hề có quy định này. Đây là một điểm mới được bổ sung vào Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Căn cứ phạt người đi xe đạp uống rượu bia

Theo vị luật gia, trên đây chỉ là mức xử phạt hành chính, nếu hành vi vi phạm gây ra hậu quả làm chết người, làm tổn hại sức khỏe người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù đến 10 năm theo Điều 260 Bộ luật hình sự 2015.

Bên cạnh đó, Điều 82 Nghị định 100 quy định, khi điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong hơi thở, người vi phạm có thể bị giữ xe đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm nồng độ cồn kể trên.

Khoản 10 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi năm 2015 quy định đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh, có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

"Như vậy, xe đạp nếu vi phạm nồng độ cồn, ngoài bị phạt còn có thể bị giữ xe đến 7 ngày.

Nhưng nếu đáp ứng được quy định tại khoản 10 Điều 125 như nêu trên lãnh, chủ phương tiện có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền" – vị luật gia thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem