|
Hoa hậu thế giới người Việt Lưu Thị Diễm Hương (người đứng) diện áo tứ thân đến xem Bên cầu dệt lụa vì xem vở cải lương này như một sự kiện. Cô thích thú chụp ảnh với “quán chè xanh”. |
Từ chuyện trang phục đến… ăn vặt miễn phí
Ngay từ vở Tần nương thất, ngày 21.5, tại Nhà hát TP.HCM, đêm diễn đã được tổ chức như một đêm sự kiện: Trưng bày nhiều ảnh sân khấu xưa và nay ở sảnh ngoài Nhà hát TP.HCM, khách được tiếp đón bằng một bữa tiệc nhẹ với vang đỏ. Chuyện ăn mặc, giờ giấc vào rạp… của khán giả ở đêm diễn này cũng đã được ban tổ chức lưu ý và nhắc nhở.
Dù sau đêm diễn Tần nương thất, không ít khán giả vốn quen với “chủ nghĩa tự nhiên” đã có lời phàn nàn về “cái sự vẽ vời” ấy nhưng đến Bên cầu dệt lụa, đêm 7.10, yêu cầu về cái đẹp - cái sang, được hiểu là sự văn minh cho cải lương trong bối cảnh đương thời, vẫn được ban tổ chức giữ nguyên. Lời yêu cầu về trang phục trên thiệp mời Bên cầu dệt lụa còn ghi rõ: mặc áo dài hoặc đầm dài với quý bà, quý cô.
Khánh Vương - thành viên ban tổ chức, một cựu du học sinh đã quen cách tổ chức các sự kiện, quảng cáo cho khách hàng trong và ngoài nước từng nói: “Khán giả muốn ăn vặt, mình sẽ cho họ ăn vặt nhưng hãy ăn trước vở diễn thôi. Lần sau tôi sẽ cố gắng tạo một không gian vở diễn khiến khán giả thích thú hòa nhập, chọn loại thức ăn phù hợp hơn với không khí xem cải lương. Tôi cũng muốn cải lương được đối xử trang trọng ngay từ hình thức như ăn mặc để giới trẻ bây giờ không còn ngại hay xấu hổ khi đi xem cải lương hay bày tỏ mình thích cải lương”.
|
Các nghệ sĩ Thanh Ngân, Diễm Thanh, Hoàng Nhất (từ trái qua) trong cảnh mẹ Trần Minh qua đời. |
Nói là làm, thiệp mời Bên cầu dệt lụa thông báo rõ phần thời gian dành cho tiệc nhẹ. Còn không gian bên ngoài vở diễn được trình bày dân dã như một làng quê Việt với ruộng lúa, ao sen, quán nước chè, những cô thôn nữ ngồi quay tơ và lụa phủ từ ngoài vào đến sân khấu phù hợp với nội dung vở...
Thức ăn cho đêm diễn gồm chè xanh, nước vối, kẹo lạc, mứt gừng, bánh da lợn, xôi, chè, gỏi cuốn, bánh bò… Thật bất ngờ khi hầu hết khách đến xem đều ăn mặc đúng yêu cầu với sự háo hức, thú vị. Khán giả cũng rất hào hứng với không gian ngoài vở diễn, liên tục chụp ảnh lưu niệm và xếp hàng chờ thưởng thức quà vặt…
Hy vọng xin được tài trợ…
Hướng làm trên đang được khán giả cùng giới chuyên môn hoan nghênh và ủng hộ. Họ hoan nghênh không phải vì chuyện cải lương đã được biến tấu đẹp mắt, sang trọng hơn; khán giả được ăn uống miễn phí. Sự hoan nghênh ở đây nằm trong quyết tâm giữ nguyên hồn vía và sức sống cho cải lương của đội ngũ làm chương trình…
Không chỉ chiếc áo mới hiện đại, sang và đẹp của cải lương mà chất lượng của vở diễn cũng làm hài lòng số đông người mộ điệu. Vậy nên một thành viên ban tổ chức Bên cầu dệt lụa đã bày tỏ hy vọng có thể xin được tài trợ cho những vở tiếp theo khi chương trình đã có tiếng vang dù xin tài trợ cho cải lương không dễ.
Dần dần, những vở về sau cũng sẽ tổ chức bán vé thêm những suất sau đó để bù đắp một phần kinh phí. Bởi, nếu đầu tư gần 500 triệu đồng cho một vở để rồi chỉ diễn một đêm như tình trạng Tần nương thất, Bên cầu dệt lụa vừa qua thì vừa lãng phí, vừa không đáp ứng nhu cầu muốn xem vở của không ít khán giả yêu cải lương.
Theo PL TPHCM
Vui lòng nhập nội dung bình luận.