Dịch lở mồm long móng: Tổn thất gần 16 vạn gia súc

Thứ hai, ngày 27/06/2011 11:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Hoàng Văn Năm - quyền Cục trưởng Cục thú y đã cho biết như vậy về thiệt hại của dịch lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc bùng phát từ tháng 9.2010 và kéo dài đến nay.
Bình luận 0

Trước thời điểm tháng 9.2010, dịch LMLM đã xuất hiện rải rác ở một số địa phương nhưng không có ổ dịch nào được ghi nhận.

Cán bộ giấu dịch để kiếm tiền

img
Tình trạng bán tháo lợn khi có dịch là một nguyên nhân làm dịch lở mồm long móng lây lan. (Ảnh minh họa).

Dịch bùng phát mạnh nhất trên quy mô rộng vào tháng 2.2011, cao điểm nhất có tới trên 737 ổ dịch.

Theo ông Hoàng Văn Năm, bên cạnh những nguyên nhân khách quan dẫn đến dịch bùng phát là diễn biến thời tiết phức tạp, rét đậm rét hại ở miền Bắc kéo dài, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ… thì nguyên nhân chủ quan là: "Chính quyền và người dân một số địa phương đã chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là công tác giám sát, báo cáo dịch và công tác tiêm phòng cụ thể vẫn mang tính quyết định".

Việc để dịch bùng phát, kéo dài, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước và người dân là do một số cán bộ thú y cơ sở giấu dịch để thực hiện chữa trị kiếm tiền, khi dịch lan rộng và không thể kiểm soát được mới báo cáo Chi cục Thú y địa phương và T.Ư. Hơn nữa, việc phát hiện dịch bị buông lỏng. Tính toán của Cục Thú y cho thấy, trung bình các ổ dịch được báo cáo sau 2 tuần phát dịch, có ổ dịch được báo cáo (muộn nhất) sau 101 ngày. Thậm chí có địa phương không báo cáo cũng như không công bố dịch theo quy định và tiếp tục cấp phép kiểm dịch vận chuyển gia súc sang các địa phương khác tiêu thụ.

Virus LMLM liên tục biến đổi

Giai đoạn 2011-2015, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu khống chế dịch LMLM, không để xảy ra trên diện rộng, giảm số ổ dịch, số gia súc mắc bệnh tại các tỉnh biên giới phía Bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung- Tây Nguyên. Kết quả tiêm phòng đạt trên 70% so với tổng đàn...

Tính đến nay, Đăk Lăk là tỉnh duy nhất có dịch LMLM chưa qua 21 ngày. Ông Ngô Thanh Long - Chi cục Thú y Vùng 6 cho biết: Virus gây bệnh LMLM liên tục xuất hiện các dòng mới, đặc biệt là khi dịch xảy ra trên diện rộng.

Tuy nhiên, theo ông Long, sự tương đồng của virus từ cuối năm 2010 đến tháng 3.2011 là trên 99,3% và loại virus này chủ yếu gây hoại tử cơ tim ở lợn làm cho tỷ lệ lợn bệnh chết tăng bất thường. Trong khi đó, công tác tiêm phòng vaccin hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Ngay các tỉnh khu vực biên giới và Tây Nguyên, dù nằm trong Chương trình quốc gia về khống chế và thanh toán dịch LMLM nhưng tỷ lệ tiêm phòng rất thấp. Kết quả tiêm phòng của các tỉnh đều đạt tỷ lệ dưới 50% so với tổng đàn. Ngoài ra, việc thiếu vaccin thời điểm tháng 2 và 3 vừa qua cũng là một trong những yếu tố làm cho dịch không được khống chế kịp thời.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, từ đầu năm 2011 ngành đã thay đổi vaccin LMLM trên gia súc và hiệu quả đã cao hơn. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tần, các cơ quan thú ý các địa phương cần tăng cường hơn nữa khâu giám sát, nếu có bất thường phải báo cáo ngay với Cục Thú y và Bộ, vì hiện nay, virus liên tục biến đổi ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccin nhằm đảm bảo tốt hơn trong công tác phòng chống dịch LMLM.

Vaccin lở mồm long móng chủng Myanmar 98 an toàn

Ông Tô Long Thành - Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán thú y T.Ư cho hay, vaccin lở mồm long móng type O chủng Myanmar 98 do Trung Quốc sản xuất được tiêm thí điểm trên 30 con trâu, bò tại tỉnh Nam Định từ 6.5, đến nay số trâu, bò này đều bình thường, không bị sốc hay có phản ứng khác thường. Tỷ lệ trâu, bò có đáp ứng kháng thể sau khi tiêm phòng là 93,8%, nên vaccin này hoàn toàn an toàn đối với trâu, bò.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem