Dịch tả lợn châu Phi: Tự “xử lý” lợn bệnh, dân sẽ không được hỗ trợ

Minh Huệ Thứ sáu, ngày 15/03/2019 19:10 PM (GMT+7)
Ngày 14/3, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp Sở NNPTNT Hà Nội tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn” cho cán bộ khuyến nông của 10 tỉnh phía Bắc và bà con nông dân.
Bình luận 0

17 tỉnh có dịch tả lợn châu Phi

Phát biểu tại diễn đàn, bà Hạ Thuý Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, chăn nuôi lợn ở Việt Nam đang có bước chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, số lượng chăn nuôi nông hộ vẫn còn cao, tính đến năm 2018 còn tới 2,5 triệu hộ nuôi với tổng đàn 13,8 triệu con, chiếm gần 50% tổng đàn và chiếm khoảng 22,8% giá trị ngành chăn nuôi.

img

Ban Chủ tọa, Ban cố vấn trả lời câu hỏi của nông dân và các đại biểu tại diễn đàn sáng 14.3.  Ảnh: T.H 

“Đây chính là một trong những hạn chế lớn khiến giá thành sản phẩm thịt lợn nước ta cao, sức cạnh tranh thấp. Thêm vào đó, do khí hậu nước ta nóng ẩm, nên các loại dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư dẫn tới việc phòng chống, kiểm soát dịch bệnh càng thêm khó khăn. “Nóng" nhất hiện nay là dịch tả lợn châu Phi, đến ngày 14.3 đã có 17 tỉnh xuất hiện ổ dịch, số lượng lợn phải tiêu hủy rất lớn, chưa kể các dịch bệnh khác như lở mồm long móng, tai xanh…” - bà Hạnh cho biết.

Theo ông Ngô Văn Bắc - Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y trung ương, bệnh dịch tả lợn châu Phi (African swine fever-ASF) đang lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn, mọi lứa tuổi. Lợn bị bệnh có triệu chứng sốt cao, ủ rũ, bỏ ăn; bệnh tích viêm, xuất huyết ở nhiều phủ tạng và ở vùng da mỏng. Bệnh ASF có triệu chứng, bệnh tích giống với bệnh dịch tả lợn cổ điển nên rất khó phân định.

“Bệnh này chỉ xét nghiệm được trong phòng thí nghiệm, không dự đoán được qua triệu chứng lâm sàng, vì thế khi thấy lợn có dấu hiệu ốm, chết, bà con đừng chủ quan tiếc rẻ đàn lợn, cố tìm cách chăm sóc cứu chữa mà nên báo ngay cho cơ quan thú y để xét nghiệm ngay. Và đã bị bệnh thì chỉ có tiêu hủy, cố chăm sóc chỉ tốn thức ăn vì đàn lợn sẽ chết 100%” - ông Bắc cho hay.

Không được sử dụng thức ăn thừa  

Là một trong những địa phương xuất hiện ổ dịch tả ASF, ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết: Công tác phòng chống dịch của Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn tiếp giáp với 8 tỉnh, đường giao thông chằng chịt, lập chốt chỗ này, người ta sẽ đi chỗ khác. Trên địa bàn có tới 988 cơ sở, điểm giết, mổ. Việc giết, mổ hầu như về đêm, nên lực lượng chức năng kiểm tra không xuể.

img

Cơ quan chức năng Hà Nội thành lập tổ kiểm soát dịch bệnh tại các tuyến phố trên địa bàn quận Long Biên. 

Theo ông Đăng, qua thực tế kiểm tra tại các vùng chăn nuôi và hộ gia đình, thấy có những làng chuyên đi lấy nước gạo, thức ăn thừa từ quán ăn, nhà hàng về nuôi lợn, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh. Các hộ cho biết, thức ăn này đều được nấu chín, nhưng quan sát cho thấy quanh khu vực để thức ăn, ruồi nhặng, chuột nhiều và đây cũng chính là những vật trung gian truyền bệnh.

“Do đó, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương quản lý chặt việc sử dụng thức ăn thừa. Yêu cầu các huyện thực hiện 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, chủ tịch xã, phường là trưởng ban chỉ huy phòng chống dịch; nhân lực tại chỗ; phương tiện tại chỗ; chôn tại chỗ, tránh vận chuyển xa làm lây lan thêm” - ông Đăng nhấn mạnh.

Đại diện Sở NNPTNT Hải Phòng chia sẻ, ngay khi xuất hiện ổ dịch trên địa bàn, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật thành phố đã lập và tổ chức triển khai 5 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại các đầu mối giao thông chính vào thành phố, trên các trục đường 5, đường 10 và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long…

Ngoài việc cung ứng hàng chục nghìn tấn hóa chất để các địa phương và người dân tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc, TP.Hải Phòng đã tổ chức rất sớm việc hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy do dịch. Theo đó, UBND huyện Thuỷ Nguyên đã chi trả cho 5 hộ/56 hộ với tổng số tiền hơn 118 triệu đồng. 

Tại diễn đàn, trả lời câu hỏi của anh Nguyễn Văn Tùng - nông dân huyện Ba Vì (Hà Nội) về thủ tục hỗ trợ tiêu hủy lợn bị dịch tả, bà Phạm Thị Kim Dung (Cục Chăn nuôi) cho biết, khi lợn có dấu hiệu ốm chết, bà con bắt buộc phải báo cho xã, cơ quan thú y địa phương. Nếu giấu dịch, tự đem tiêu hủy thì sẽ không được hỗ trợ. Theo Nghị định 02 của Chính phủ, hiện mức hỗ trợ tiêu huỷ lợn bệnh là 38.000 đồng/kg lợn hơi. Bộ NNPTNT và các bộ, ngành liên quan vẫn đang nghiên cứu, trình Chính phủ phương án tăng hỗ trợ tiêu hủy.

Trong khi đó, ông Lê Văn Tư ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) kiến nghị: “Hiện các địa phương đang tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng từ đầu ngõ, xóm, nhưng tôi nhận thấy hiệu quả không lớn bằng việc cấp thuốc sát trùng trực tiếp cho các hộ chăn nuôi để họ tiến hành làm kĩ trong trang trại. Bên cạnh đó, đề nghị Nhà nước thực hiện hỗ trợ tiêu hủy nhanh gọn, tiền hỗ trợ phải sớm đến tay người dân để bà con kịp thời khắc phục khó khăn, sớm tái đàn”.

Về câu hỏi tái đàn sau dịch, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội nhấn mạnh: Sau 30 ngày, nếu địa phương không phát hiện ổ dịch mới thì vùng đó được công nhận hết dịch bệnh. Tuy nhiên bà con nên tạm ngừng chăn nuôi một thời gian và tập trung phun thuốc khử trùng chuồng trại, rắc vôi bột hoặc quét nước vôi toàn bộ xung quanh chuồng trại, vật dụng chăn nuôi và triệt để áp dụng các phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Tính đến 14/3, dịch tả lợn ASF đã lan ra 17 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên,  Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn và Nghệ An.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi lưu ý, song song với tuyên truyền phòng chống dịch, cần đẩy mạnh tuyên truyền tiêu thụ sản phẩm thịt lợn đảm bảo an toàn để bảo vệ sản xuất. Nếu để xảy ra tình trạng tẩy chay thịt lợn, sẽ khiến ngành chăn nuôi và người nông dân bị thiệt hại rất lớn.

Đến thời điểm này, chăn nuôi theo chuỗi, chăn nuôi trang trại chưa xuất hiện dịch mà chủ yếu ở hộ nhỏ lẻ. Do đó, cần phải quyết liệt ngăn chặn, quan trọng nhất hiện nay là áp dụng đồng bộ các giải pháp tổng hợp, với phương châm "phòng là chính".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem