Dịch virus corona đã giết chết 490 người ở Trung Quốc.
Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra gây tổn hại lớn cho cả thế giới nhưng trước hết và nhiều nhất cho Trung Quốc, như dịch Sars hồi những năm 2002 và 2003. Lý do đơn giản là dịch bệnh bùng phát từ Trung Quốc và diễn biến trở thành cuộc khủng hoảng lớn đối với Trung Quốc trước khi đối với thế giới bên ngoài. Trung Quốc cũng phải chịu tổn thất lớn nhất bởi dịch bệnh và tốn kém nhiều nhất để đối phó với dịch bệnh.
Thời dịch bệnh Sars, các nước không ứng phó quyết liệt như hiện tại ở trong nước cũng như trong những chuyện có liên quan trực tiếp đến thể diện và khả năng xử lý cũng như triển vọng vượt qua khủng hoảng của Trung Quốc. Nhìn vào đấy có thể thấy đại dịch mới này hiện đang thử thách thật sự các mối quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, trong đó đương nhiên đáng được chú ý đến hơn cả là quan hệ của Mỹ và Nga với Trung Quốc.
Mỹ là quốc gia đầu tiên tiến hành sơ tán công dân Mỹ ra khỏi Trung Quốc, cấm công dân Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ và người nước ngoài đã ở Trung Quốc trong thời gian 14 ngày trước đó nhập cảnh vào Trung Quốc. Mỹ thậm chí còn cho biết có thể giảm bớt số nhân viên ngoại giao của Mỹ ở Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ khá gay gắt, cáo buộc Mỹ reo rắc sợ hãi và gây kỳ thị người Trung Quốc. Mỹ có chủ động đề nghị trợ giúp Trung Quốc đối phó dịch bệnh.
Lúc đầu, Trung Quốc kiên quyết từ chối và mãi đến gần đây mới chấp nhận. Đáng được chú ý đến nữa trong chuyện này là phát biểu của bộ trưởng thương mại Mỹ W. Ross cho rằng dịch bệnh mới này sẽ đưa lại tình trạng là chỗ làm việc sẽ được dịch chuyển từ Trung Quốc về Mỹ. Tuy rằng phát biểu này của ông Ross không phải không có cơ sở thực tế gì khi nhiều doanh nghiệp Mỹ đã chấm dứt hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc và chuyển dịch ra nơi khác nhưng vẫn không thể tránh khỏi gây cảm nhận là đề cập đến việc Mỹ được lợi từ đại dịch này ở Trung Quốc. Trong khi đó, Nga áp dụng biện pháp đóng cửa biên giới với Trung Quốc, ngừng cấp thị thực điện tử cho người Trung Quốc và hạn chế giao thông đường sắt giữa hai nước.
Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc rất tốt đẹp nhưng giữa Mỹ và Trung Quốc lại không được như vậy. Mỹ và Trung Quốc vừa ký kết với nhau kết quả của 13 vòng đàm phán thương mại mà họ gọi là thoả thuận thương mại giai đoạn 1. Văn kiện này quá mức về danh nghĩa trong khi quá nhỏ về thực chất. Nó chỉ giúp Trung Quốc tránh bị tổn hại thêm chưa chưa thể giảm bớt được tổn hại đang phải chịu đựng trong cuộc cung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trên những phương diện quan hệ song phương khác, Mỹ vẫn tiếp tục dồn ép Trung Quốc. Trung Quốc lại đang gặp khó khăn lớn về tăng trưởng kinh tế và giải quyết một số vấn đề về xã hội nội bộ. Đại dịch mới làm Trung Quốc thêm khó khăn và khó xử cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Những biện pháp của Nga ứng phó dịch bệnh đương nhiên có bất lợi cho Trung Quốc, đặc biệt về chính trị thế giới và đối ngoại, nhưng Trung Quốc cũng phải hiểu là cần thiết đối với Nga và không đặc biệt hơn nhiều đối tác khác của Trung Quốc. Cũng những biện pháp đối phó dịch như thế thôi, nhưng nếu Mỹ thực hiện đối với Trung Quốc thì lại khác bởi sẽ có nhiều đối tác của Trung Quốc làm theo với sự giải thích - hay thanh minh - với phía Trung Quốc là đến Mỹ còn phải ứng phó như vậy thì chính họ càng cần phải như vậy để ngăn ngừa và đối phó dịch bệnh. Trong bối cảnh tình hình hiện tại, tất cả những đối thủ và địch thủ của Trung Quốc có áp dụng biện pháp chính sách gì thì cũng đều phải lưu ý tránh tạo cảm nhận lợi dụng đối phó dịch bệnh để đối phó Trung Quốc.
Trung Quốc hiện phải tập trung mọi ưu tiên chính sách và nỗ lực của cả đất nước vào việc kiểm soát, đẩy lùi và khắc phục hậu quả của dịch bệnh. Chừng nào chưa xử lý được ổn thoả những việc này, chừng ấy Trung Quốc khó có thể tung hoành ngang dọc về đối ngoại như trước đó. Chừng nào chưa trở lại như trước dịch bệnh, chừng đó Trung Quốc sẽ tránh sa đà sâu hơn vào những khúc mắc hiện tại với Mỹ và các đối tác khác, tránh để bị lôi kéo vào xung khắc hay vướng mắc mới với bên ngoài. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh này buộc Trung Quốc từ nay phải chắc chân hơn nữa với mọi bước đi, thêm thực tế và thận trọng cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Mỹ sẽ không dấn tới trong xung khắc thương mại với Mỹ, nhưng cũng sẽ lại không ngừng nghỉ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Chuyến công du vùng Trung Á vừa đây của bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo là bằng chứng mới khi ở Kazakhstan và Uzbekistan người này thuyết phục các nước Trung Á xa lánh Trung Quốc để xích lại gần Mỹ, thách thức vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Trung Á. Đại dịch mới làm cho chủ đề nội dung "Trung Quốc" mất tính thời sự trong cuộc vận động tranh cử tổng thống hiện tại ở nước Mỹ.
Dịch bệnh mới là một tai hoạ bất ngờ đối với Trung Quốc. Nó cũng còn là thử thách và phép thử đối với các mối quan hệ của Trung Quốc với thế giới bên ngoài. Cũng trên phương diện này, nó khác so với dịch bệnh Sars đối với Trung Quốc và thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.