Điểm sàn không quyết định chỉ tiêu tuyển sinh

Tùng Anh Thứ năm, ngày 12/06/2014 10:04 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Luận cho biết, điểm sàn không quyết định chỉ tiêu tuyển sinh, điểm sàn chỉ là giới hạn về chất lượng, nếu thấp hơn nữa thì không đủ yêu cầu có thể đào tạo được con người với những phẩm chất, năng lực cần có.
Bình luận 0
Sáng 11.6, trong phiên trả lời chất vấn, liên quan đến vấn đề chất lượng đào tạo ĐH, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) đặt câu hỏi: “Tại sao trong điều kiện nhân lực thừa, chất lượng đào tạo thấp như vậy mà Bộ GDĐT lại bỏ điểm sàn?”- Bộ trường Phạm Vũ Luận giải thích: “Bộ GDĐT không bỏ điểm sàn ĐH mà đổi mới điểm sàn theo hướng không chỉ có một mức mà có một số mức, phân ra thành 2-3 mức sàn, có mức sàn cao và có mức sàn thấp, nhưng mức sàn thấp hơn đó không hạ thấp tiêu chuẩn, yêu cầu so với các năm trước”.

Lý giải vì sao lại thay đổi không chỉ một mức sàn như những năm trước, Bộ trưởng khẳng định điểm sàn là để triển khai thực hiện Luật Giáo dục đại học, tổ chức việc phân tầng đại học thành các tầng khác nhau, ở các mức chất lượng khác nhau bằng tiêu chí điểm sàn khác nhau để thông báo cho xã hội, học sinh, sinh viên cân nhắc lựa chọn vào học ở những trường phù hợp và có tính toán đến chất lượng.

Ông Luận cũng cho biết, điểm sàn không quyết định chỉ tiêu tuyển sinh, điểm sàn chỉ là giới hạn về chất lượng, nếu thấp hơn nữa thì không đủ yêu cầu có thể đào tạo được con người với những phẩm chất, năng lực cần có. Còn chỉ tiêu tuyển sinh sẽ căn cứ vào số lượng giảng viên cơ hữu thực có của các cơ sở đào tạo và diện tích xây dựng mà nhà trường có để phục vụ cho hoạt động đào tạo của nhà trường. Được tuyển sinh năm nay 1.000 hay 2000 là tùy thuộc vào 2 điều kiện đó, nó không phải tùy thuộc vào điểm sàn cao hay thấp.


 Ngay từ kỳ họp khóa X, Nghị quyết của Quốc hội đã bàn đến chuyện thay đổi chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) mà đến nay vẫn vậy. Thời gian là tài nguyên, là cơ hội. Bộ trưởng trả lời như vậy thì ĐBQH chúng tôi rất hoang mang không biết bao giờ thì đổi mới CT-SGK xong. Mà nhiệm kỳ của cả Quốc hội lẫn Bộ trưởng sắp xong rồi. Vì vậy, tôi cho rằng nhiều khi trả lời của Bộ trưởng chỉ là biện pháp để ứng phó với Quốc hội.
ĐB Dương Trung Quốc

Tôi cho rằng, việc Quốc hội chấp thuận để Chính phủ rút không trình nội dung đổi mới CT-SGK tại kỳ họp này là đã rõ và sự thật là Bộ GDĐT có sai sót trong chuyện này. Điều quan trọng bây giờ mà ĐBQH, người dân quan tâm là bao giờ làm xong đề án đổi mới CT-SGK? Chúng tôi muốn nói rõ trách nhiệm Bộ trong việc trình lên nội dung này. Bộ trưởng nói áp dụng kinh nghiệm trình Nghị quyết về đổi mới CT-SGK năm 2000 nhưng giờ đã là năm 2014, nếu áp dụng như vậy thì có thỏa đáng không, phải có sự đổi mới sau 14 năm chứ?
ĐB Hà Minh Huệ

Bộ trưởng Luận cho rằng, “kết quả thi tốt nghiệp vừa rồi có thể cho phép chuyển từ việc dạy và học theo lối truyền thụ kiến thức sang chú trọng phát triển kỹ năng phẩm chất". Ngẫm cho kỹ, xem ra cách trả lời này vẫn mang tính đối phó. Lâu nay việc dạy như thế nào vẫn do các thầy cô, còn vai trò của người học chưa bao giờ được xem xét. Cái quan trọng nhất là chất lượng giáo dục thì lại chưa được nâng cao! Nếu cứ tồn tại tình cảnh “con kiến leo cành đa...” như thế này thì có đến 10 đời Bộ trưởng nữa thì giáo dục nước nhà vẫn thế.
Cử tri Hồng Phong (Nam Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem