Điện ảnh cách mạng VN: Sau hào quang là tới... lo toan

Thứ sáu, ngày 15/03/2013 06:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các nghệ sĩ của nhiều thế hệ đã tề tựu về Hà Nội để long trọng kỷ niệm 60 năm ngày ra đời điện ảnh cách mạng. Một quá khứ hào quang rất đáng tự hào, nhưng điện ảnh hôm nay đang đối mặt nhiều lo toan.
Bình luận 0

Tìm lại điện ảnh Bưng biền

Sáng 14.3 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam (15.3.1953-15.3.2013). Đây được xem là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự khai sinh chính thức cho ngành điện ảnh VN.

Tuy nhiên, những nhà hoạt động điện ảnh lão thành cho biết, từ trước năm 1953, điện ảnh VN đã chính thức được ra đời và hoạt động tại Bưng biền - Đồng Tháp Mười, vì vậy có thể khẳng định, tuổi khai sinh là năm 1953, nhưng tuổi thực, điện ảnh cách mạng VN đã chào đời từ năm 1947.

img
NSND Như Quỳnh trong phim “Đến hẹn lại lên” sản xuất năm 1974, đạo diễn Trần Vũ.

Trong bộ phim tài liệu của đạo diễn Nguyễn Thước thực hiện để kỷ niệm sự kiện này của ngành được ra mắt đúng vào sáng qua, nhiều nghệ sĩ đã được chứng kiến từng thước phim, bức ảnh tư liệu quý giá ghi lại thời hoạt động điện ảnh Bưng biền của các nghệ sĩ lão thành như Khương Mễ, Mai Lộc, Vũ Sơn…

Trong dịp này, Cục Điện ảnh đã nhân bản đĩa DVD các phim truyện kinh điển như "Đêm hội Long trì", "Bao giờ cho đến tháng 10", "Về nơi gió cát"... các bộ phim tài liệu "Nước về Bắc Hưng Hải", "Điện Biên Phủ"... để gửi tới các đội chiếu bóng lưu động chiếu phục vụ nhân dân.

Họ đã làm điện ảnh mà không có điện, đã phải tận dụng những chiếc máy quay phim cũ để in tráng phim, đã in phim trong buồng tối di động là những con thuyền lênh đênh trên sông nước Đồng Tháp Mười chỉ với một ngọn đèn măng sông.

Thế nhưng vượt qua khó khăn thiếu thốn, bộ phim đầu tiên, "Chiến trận Mộc Hóa" của 3 tác giả Mai Lộc, Khương Mễ, Vũ Sơn chiếu cho nhân dân Đồng Tháp Mười xem vào ngày 24.12.1948 đã làm nức lòng người vì lần đầu tiên, nhân dân được thấy bọn giặc Pháp giơ tay lũ lượt ra hàng bộ đội ta trong những thước phim sống động trên màn ảnh.

20 nghệ sĩ lão thành được nhận bằng khen của Bộ VHTTDL trong lễ kỷ niệm sáng qua là sự ghi nhận xứng đáng những đóng góp của điện ảnh Bưng biền (Đồng Tháp Mười), điện ảnh Đồi cọ (Thái Nguyên) trong lịch sử điện ảnh cách mạng VN. Gần 300 nghệ sĩ điện ảnh và những nhà hoạt động điện ảnh đã ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ càng cho thấy những máu xương thầm lặng của bao nhiêu thế hệ đã đóng góp cho lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Nhìn những thước phim ghi lại lời tâm sự của cố NSND, đạo diễn Hải Ninh, nhiều nghệ sĩ lão thành như NSND Trà Giang, NSND Thế Anh… đã không thể cầm được nước mắt. Trong phim, cố NSND Hải Ninh cho biết: "Thời điện ảnh của chúng tôi là thời của những người yêu nước đến quên cả thân mình, chúng tôi làm không vì cái gì hết, chỉ có tình yêu nghệ thuật thuần khiết, trên các chiến hào ở các chiến trường, bao nhiêu là đạn bom, người ta thấy đạn bom thì chui xuống để tránh, còn các nghệ sĩ điện ảnh thì lại phải ngoi lên, để mà ghi lại hình ảnh đó. Nói như thế để thấy, trong chiến tranh, các nghệ sĩ điện ảnh đã hy sinh, mất mát nhiều đến thế nào".

Lo toan ngày mai

Trong ngày hội 60 năm Điện ảnh cách mạng VN sáng qua tại Hà Nội, hầu như tất cả các nghệ sĩ lão thành đều có mặt, NSND Bùi Đình Hạc, NSND Trà Giang, NSND Thế Anh, đạo diễn, NSND Bùi Huy Thành, NSND Ngô Mạnh Lân, NSND Lan Hương…

Bên cạnh sự trẻ trung của các thế hệ điện ảnh đương đại như Võ Hoài Nam, Đỗ Hải Yến, Ngô Thanh Vân, Trịnh Quang Tùng… họ đã tề tựu chung trong một ngôi nhà "có trẻ có già". Bao nhiêu kỷ niệm đã được nhắc lại, hình ảnh tư liệu từ những thước phim đen trắng trong "Cánh đồng hoang", "Đến hẹn lại lên", "Bài ca ra trận", "Chung một dòng sông" lướt qua trên màn hình càng khiến mọi người tự hào về những gì mà điện ảnh đã đóng góp cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thế nhưng trở lại với thực tại, vẫn còn đó là bao nhiêu nỗi lo toan, rạp chiếu phim toàn chiếu phim ngoại, nghệ sĩ ở các hãng phim nhà nước lương bị cắt giảm chỉ còn 2/3, sản lượng phim mỗi năm lại teo đi một ít, khán giả lười đến rạp xem phim Việt, hệ thống chiếu bóng èo uột, những thị trường lớn ở các thành phố hầu hết đều do các công ty liên doanh nước ngoài độc chiếm… 60 năm, Điện ảnh VN đã đi qua với bao nhiêu thăng trầm, để một bộ môn nghệ thuật từng được coi là tổng hợp của các loại hình nghệ thuật sống lay lắt, vật vờ như hiện nay, một phần trách nhiệm lớn vẫn thuộc về các nhà hoạch định chính sách văn hóa và chính những người làm nghề.

Trong phim tư liệu, NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết: "Nói về thời xưa, chúng tôi chỉ thấy nuối tiếc, nuối tiếc vì đã có một thời, những người làm điện ảnh chỉ biết làm vì nghệ thuật, không hề biết đến cát-xê là gì, chỉ mong muốn làm thế nào để cống hiến nhiều nhất cho đất nước".

Tâm sự của ông cũng như một dấu chấm câu cho điện ảnh cách mạng với những hào quang một thời, nhưng điện ảnh hôm nay đang phải đối mặt với bài toán khó hơn, đó là làm thế nào để khơi lại được tình yêu điện ảnh trong mỗi nghệ sĩ, thúc đẩy họ có những sáng tạo, đóng góp cho nghệ thuật, nhưng trước đó, phải có một cơ chế nào đó để họ đỡ lo chuyện sinh nhai hàng ngày. Điện ảnh tư nhân đã le lói phần nào làm được điều đó, còn "điện ảnh quốc doanh", vẫn đang chuyển mình quá chậm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem