Điện lưới quốc gia về thắp sáng thôn bản đặc biệt khó khăn
Điện lưới quốc gia về thắp sáng thôn bản đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn
Mùa Xuân
Thứ hai, ngày 30/10/2023 16:15 PM (GMT+7)
Cuối tháng 8/2023, người dân thôn Bản Toòng, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai phấn khởi khi điện lưới quốc gia về thắp sáng mỗi ngôi nhà. Có điện, nhiều hộ dân đang tích cực đầu tư máy móc để làm dịch vụ, phục vụ chăn nuôi, phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Bản Toòng là thôn đặc biệt khó khăn, nằm cách trung tâm xã Thanh Bình (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) khoảng hơn 40km, chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số Mông, Dao cùng sinh sống. Nhiều năm qua, khu vực này chưa có điện lưới quốc gia kéo đến.
Những năm trước, nhà nào có điều kiện thì sử dụng điện chạy bằng sức nước. Chất lượng điện không ổn định, điện yếu chỉ đủ thắp sáng một bóng đèn. Những hộ khó khăn dùng đèn dầu thắp sáng. Không có điện lưới quốc gia, cuộc sống sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận khoa học kỹ thuật.
Tháng 8/2023, người dân Bản Toòng vui mừng khi ánh sáng từ lưới điện quốc gia đã chiếu đến thôn bản đặc biệt khó khăn này. Có điện về thắp sáng, bà con sẽ dần được tiếp cận với máy móc tăng gia sản xuất, có thêm cơ hội tăng thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện hơn.
Anh Giàng A Du, Trưởng thôn Bản Toòng, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa phấn khởi: "Thôn hiện có 58 hộ dân, cuối tháng 8 đã có 26 hộ dân, nhà văn hóa thôn và 2 điểm trường tiểu học, mầm non của thôn đã được đóng điện lưới quốc gia. Còn đối với các hộ dân còn lại của thôn hiện đang chờ được kéo điện do phân bố rải rác, xa và địa hình hiểm trở".
"Những hộ trong thôn được đóng điện đã được cán bộ điện lực Sa Pa hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi, cảm ơn Đảng, Nhà nước và ngành điện nhiều lắm. Có điện rồi, điện thoại không phải đem đi sạc nhờ, không phải dùng đèn dầu nữa. Các hộ có thể mua quạt, tivi về dùng, được xem các chương trình trên truyền hình, cách làm kinh tế hiệu quả", anh Du cho hay.
Trước đây, khi chưa có điện, gia đình ông Giàng A Mão phải lắp đặt máy phát điện mi ni chạy bằng sức nước, tuy nhiên, điện này rất yếu chỉ đủ để thắp sáng. "Sau bao năm mong mỏi, giờ có điện lưới quốc gia tiện lắm, gia đình tôi đã sắm thêm các thiết bị sinh hoạt hàng ngày bằng điện nên thuận lợi hơn rất nhiều", ông Mão nói.
Còn anh Giàng A Sú (thôn Bản Toòng, xã Thanh Bình) bảo: "Từ khi thấy những cột điện được triển khai thi công, dây điện trải dài vượt qua những núi đồi bà con chúng tôi mừng lắm. Giờ niềm vui càng nhân đôi khi có điện lưới quốc gia, bà con chúng tôi đã mua tủ lạnh, tivi, máy xay xát, máy cắt cỏ chế biến thức ăn chăn nuôi... để phục vụ sinh hoạt, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình".
Ngoài ra, khi có tivi, thông qua các chương trình truyền hình, phát thanh, người dân nắm bắt được thông tin thời sự, sức khỏe, nhất là áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh nghiệm phát triển kinh tế...
Nhờ có hệ thống loa truyền thanh, việc tuyên truyền các văn bản của xã, thông báo họp thôn để triển khai phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm đến người dân thuận tiện hơn rất nhiều. Không chỉ phục vụ sinh hoạt, sản xuất hằng ngày, có điện lưới quốc gia, việc học tập của các học sinh ở các điểm trường cũng dễ dàng hơn.
Dự án đưa điện về thôn Bản Toòng, dự án được lắp đặt gồm 1 trạm biến áp có tổng dung lượng 100kVA, 3,5 km đường dây 35kV, 700m đường dây 0,4kV.
Việc hoàn thành công trình giúp các hộ dân của thôn Bản Toòng được sử dụng điện lưới quốc gia bảo đảm an toàn, liên tục, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương phát triển.
Có điện, đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con thôn bản vùng sâu vùng xa này sẽ có nhiều thay đổi. Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cùng những gương điển hình làm kinh tế giỏi sẽ được thông tin thường xuyên đến bà con; đó là cơ sở để người dân vùng cao từng bước xóa đi đói nghèo, nâng cao trình độ dân trí, phát triển đời sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.