Điều cần biết về chăm sóc, bón phân 4 đúng cho "trái vàng"

Thuần Đào Thứ năm, ngày 08/06/2017 10:40 AM (GMT+7)
Diễn đàn “Hỏi biết trên đồng” với chủ đề “Chăm sóc cam niên vụ 2017” do Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao phối hợp Kênh truyền hình nông nghiệp VTC16 vừa diễn ra tại thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái). Do cây cam đang vào chu kỳ nuôi quả nên diễn đàn đã thu hút đông đảo bà con trồng cam quan tâm.
Bình luận 0

“Trái vàng” trong lĩnh vực xuất khẩu

Quả cam giàu vitamin C, giàu kali và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể, giúp làm đẹp da, tăng cường hệ tiêu hóa, thể lực, tăng sức đề kháng. Trên thế giới hiện có 62 loại cam, trong đó phổ biến ở Việt Nam là cam sành và cam chua với tổng diện tích hơn 800.000ha. Hiện Việt Nam đang đứng thứ 11 thế giới về xuất khẩu cam, vì vậy cam được nhìn nhận là “trái vàng” trong lĩnh vực nông nghiệp nước ta.

img

Bà con nông dân trực tiếp trao đổi với các chuyên gia về kỹ thuật chăm sóc cam giai đoạn nuôi quả. Ảnh: T.Đ

“Sử dụng phân bón Lâm Thao, vườn cam hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí theo tiêu chuẩn VietGAP vì các sản phẩm của Lâm Thao đều đáp ứng được tiêu chí an toàn: Supe lân được sản xuất trên nền axit sạch, độ tinh khiết đạt 99,8%, các sản phẩm NPK được bổ sung đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng trung vi lượng thiết yếu cho cây trồng.

Bà con lưu ý bón đúng loại phân: Bón lót sử dụng phân chuồng ủ hoai mục trộn với NPK 5.10.3 hoặc supe lân, chia làm 4 lần. Lần 1: Sau thu hoạch (bón phục hồi) dùng NPK 5.10.3; lần 2 trước ra hoa 4 tuần (chuẩn bị đón lộc hoa) và giai đoạn nuôi dưỡng quả dùng loại có hàm lượng đạm, kali cao; trước thu hoạch 1 tháng bón lần cuối. 

Nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, huyện Văn Chấn có hơn 70% diện tích đất dốc, đất đồi núi và cây cam đã được đưa vào phát triển tại đây từ những năm 1980. Đến nay toàn huyện đã có 1.300ha trồng cam các loại, năng suất bình quân từ 12 – 15 tấn/ha.

Với điều kiện tự nhiên phù hợp, người trồng cam tại huyện Văn Chấn cho rằng cây cam có thể cho giá trị cao hơn nữa nếu những khó khăn trong canh tác được giải quyết. Đặc biệt là nâng cao trình độ canh tác của người trồng cam để chống lại diễn biến thời tiết thất thường và dịch bệnh, cũng như tháo gỡ khó khăn trong việc tìm đầu ra…

Chính vì thế, trong gần 2 giờ đồng hồ diễn ra chương trình “Hỏi đáp trên đồng”, đã có hàng trăm câu hỏi của bà con hỏi trực tiếp và qua tổng đài 19006145. Trong đó khoảng 20 câu hỏi đã được các chuyên gia trả lời, chia thành 4 chủ đề: Chọn giống; sử dụng phân bón đúng cách; chăm sóc và phòng bệnh cho cây cam; thu hoạch và tiêu thụ…

Với câu hỏi “Những điều cần lưu ý khi lựa chọn giống cam”, TS Cao Văn Chí – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có múi (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - VAAS) cho biết, đầu tiên bà con cần tìm mua giống ở những đơn vị, cơ sở có chức năng, nhiệm vụ và chuyên môn trong sản xuất giống cây. Về tiêu chuẩn cây giống, ngoài việc quan sát bằng mắt thường cây sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh hại thì bà con phải xác định được 2 yếu tố sau:

Cây gốc ghép: Hiện nay đang sử dụng là cây bưởi chua hoặc cây chấp chua, bà con lưu ý nếu không phải là 1 trong 2 loại trên thì sự tiếp hợp sẽ rất kém, ví dụ như cây bưởi ngọt thì bộ rễ tái tạo sẽ kém phát triển hơn.

Nguồn mắt ghép: Phải là mắt ghép khai thác từ những cây đầu dòng (cây giống tốt), được Sở NNPTNT Yên Bái công nhận.

Bên cạnh đó, cây giống phải được nhân giống trên bầu to, đường kính ít nhất từ 14-15cm, chiều cao > 20cm; từ mắt ghép trở lên phải đạt được 2 cặp lộc tương đương 35-40cm, nghĩa là từ mặt bầu lên phải đạt 50-60cm mới đưa về trồng.

Bà con nông dân hỏi: “Khi cây cam bị chết, trồng cây khác vào vẫn chết thì xử lý thế nào?”. Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng có thể trong môi trường đất có vấn đề. Bà con nên tiến hành cải tạo đất bằng cách trồng cây ngắn ngày (đậu, lạc) trong 2 năm để thay đổi ký chủ, cải tạo đất, sau đó mới tiến hành trồng mới.

Cách cải tạo đất như sau:  Cày đất để phơi ải trong ít nhất 2 tuần; bón vôi vào hố trồng, trộn đất và cũng để 2 tuần; phun một số loại thuốc trừ bệnh: Các thuốc gốc đồng hay thuốc Hexaconazole để khoảng 3 tuần; bón lót (đây là khâu đặc biệt quan trọng): Dùng phân chuồng ủ trộn với nấm đối kháng Trichoderma + supe lân Lâm Thao.

Chăm sóc cam đúng cách để có chất lượng, mẫu mã đẹp

Các chuyên gia tại chương trình cho biết, trong chăm sóc cam giai đoạn nuôi quả có 4 vấn đề quan trọng.

Cắt tỉa tạo tán: Cắt tỉa bớt cành để tăng khả năng quang hợp cho cây. Sử dụng dao kéo cắt tỉa chuyên dụng, cắt theo hình chữ Y (khai tâm) để ánh nắng lọt được vào sâu bên trong tán. Khống chế tán chiều cao 3 - 3,5m so với mặt đất. Cắt bỏ cành khô, kém dinh dưỡng. Cây ít tuổi dùng động tác vít để cây thông thoáng. Làm sạch cỏ gốc, tuyệt đối không phun thuốc trừ cỏ trong giai đoạn này.

Tưới, tiêu nước: Cây cam vừa cần nước nhưng cũng rất sợ nước. Cần nước ở giai đoạn ra hoa đậu quả vào mùa khô từ Tết Nguyên đán cho đến mùa mưa. Sợ nước giai đoạn ra lộc đông vào mùa mưa và mùa đông.

Cách phòng trừ một số loại bệnh hại phổ biến như sau:

Bệnh vàng lá, thối rễ (Greening):

Hiện tượng: Lá bị vàng phần lá non mới ra, lá dưới vẫn xanh. Trong giai đoạn đầu đào rễ lên trượt hết vỏ rễ; giai đoạn sau rễ bị thối, còn rất ít rễ trắng, chưa khai thác hết chu kì thì cây đã chết.

Nguyên nhân: Do rất nhiều nấm bệnh trong đất gây nên hoặc do rầy chổng cánh.

Khắc phục: Không có thuốc diệt mà chỉ sử dụng biện pháp phòng trừ: Nếu do rầy chổng cánh thì có thể trồng xen cây ổi vào trong vườn cam, cứ 7m trồng 1 cây, do bản thân cây ổi tiết ra hoạt chất xua đuổi loại ruồi này. Nếu do nấm bệnh: Trước khi trồng, xử lý đất như trên hướng dẫn. Đồng thời lưu ý 3 yếu tố: Thoát nước tốt; trồng đúng mật độ và bón phân đúng quy trình kỹ thuật (bón lót như hướng dẫn trên).

Bệnh do vi khuẩn gây ra:

Hiện tượng: Trên lá xuất hiện đốm nhỏ: Sần sùi ở mặt dưới, trông như đốm mắt cua, vàng viền. Bệnh thường gắn liền với sâu vẽ bùa, rất nhiều trường hợp sâu vẽ bùa gây hại sau đó vi khuẩn xâm nhập.

Khắc phục: Bà con kiểm tra lộc non xem có sâu vẽ bùa không để trừ ngay. Khi đã xuất hiện đốm bệnh phải trừ bằng một vài loại thuốc như: Thuốc gốc kasugamycin, hoặc các thuốc gốc đồng phun kỹ 2 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 7 ngày trên bề mặt lá, quả và thân để hạn chế sự phát triển của bệnh.

Bà con nông dân cũng băn khoăn về việc có nên dùng thuốc trừ cỏ cho vườn cam đang ra quả? TS Đinh Văn Thành – nguyên Trưởng Bộ môn miễn dịch thực vật (Viện Bảo vệ thực vật – Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho biết, về nguyên tắc, thuốc trừ cỏ chỉ nên sử dụng trước khi trồng cây, đến giai đoạn này không nên phun thuốc nữa do ảnh hưởng rất xấu đến cây. Bà con nên trừ cỏ bằng tay, hoặc sử dụng các tấm bạt để che phủ khoảng đất xen kẽ giữa các cây, nhằm hạn chế sự phát triển của cỏ. Ngoài ra, bà con có thể trồng xen các cây ngắn ngày như đậu, đỗ, lạc, cây rau để vừa hạn chế sự phát triển của cỏ, vừa tăng thêm thu nhập.

Để cây cam đạt năng suất cao nhất, kỹ sư Phạm Đức Thành – Phó Trưởng phòng kinh doanh Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao cho biết, bà con cần chú ý cung cấp cho cây đầy đủ phân bón, đảm bảo chất dinh dưỡng theo nguyên tắc 4 đúng.

Cụ thể, đúng chủng loại: Cam đang nuôi quả, bà con cần bón NPK-S*M1 12.5.10-14, với hàm lượng đạm cao cây sẽ phát triển thân lá, hàm lượng kali cao giúp tăng hàm lượng đường và mẫu mã quả đẹp. Đúng liều lượng: Lượng thích hợp từ 1-1,5kg/cây, không bón thừa tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường. Đúng thời điểm: Bón khi đất đủ ẩm, không nên bón vào lúc trời nắng tránh bốc hơi, trời mưa tránh rửa trôi. Đúng phương pháp: Xới qua đất xung quanh tán với độ sâu từ 5-7cm tránh tổn thương bộ rễ, rải phân theo chiều thẳng tán xuống (hình vành khăn).  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem