Điều đặc biệt về ngôi làng giữ nhiều bia tiến sỹ cổ ở Hà Nội

Duy Huy Thứ hai, ngày 28/11/2022 09:34 AM (GMT+7)
Làng Phú Xá, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội chính là nơi lưu lại dấu tích cuối cùng của ông nghè Nguyễn Kiều và hồng hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.
Bình luận 0

Ngôi làng lưu giữ nhiều bia tiến sỹ cổ ở Hà Nội. Thực hiện: Duy Huy.

Mối lương duyên đặc biệt

Tiến sỹ Nguyễn Kiều (1695 - 1752), hiệu là Hạo Hiên, sinh tại làng Phú Xá, huyện Từ Liêm, nay thuộc TP.Hà Nội. Thuở nhỏ ông nổi tiếng hay chữ, có tài văn chương. Khoa Ất Mùi (năm 1715), đời Vua Lê Dụ Tông, ông đỗ tiến sỹ, được bổ làm quan, dần lên đến chức Đô ngự sử, tước bá. 

Sau khi góa 2 đời vợ, khoảng năm 1742, ông lấy nữ sĩ Đoàn Thị Điểm làm vợ kế. Cũng năm ấy, ông được cử làm Chánh sứ cùng Nguyễn Tông Quai làm Phó sứ, dẫn đoàn sang nhà Thanh (Trung Quốc).

Điều đặc biệt về ngôi làng giữ nhiều bia tiến sỹ cổ ở Hà Nội - Ảnh 2.

Đình làng Phú Xá thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội là nơi thờ Tiến sỹ Nguyễn Kiều và bà Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Duy Huy.

Hoàn cảnh bấy giờ, Đoàn Thị Điểm sinh ra trong gia đình cụ hương cống Đoàn Doãn Nghi. Sau ngày ông thân sinh qua đời, Đoàn Thị Điểm theo anh trai Đoàn Doãn Luân về quê Hưng Yên nuôi mẹ. Lúc này, Đoàn Doãn Luân mở trường dạy học, cô Điểm đứng dạy cùng anh. 

Năm 1735, Đoàn Doãn Luân mất. Mẹ già, chị dâu tật nguyền và hai cháu trông cả vào cô Điểm. Cô phải từ chối nhiều đám cầu hôn. Cho đến tận năm 1742, khi đã vào tuổi ba mươi tám, Đoàn Thị Điểm mới nhận lời tiến sỹ Nguyễn Kiều.

Cuộc hôn nhân muộn màng này dường như khiến đôi vai của nữ sỹ tài hoa này thêm trĩu nặng. Một thân bà vừa phải nuôi mẹ già, chị goá, cháu nhỏ lại phải đèo bòng thêm đám con của chồng. Trong khi đó, lấy nhau một thời gian ngắn thì tiến sỹ Nguyễn Kiều phải rời kinh đô đi sứ.

Điều đặc biệt về ngôi làng giữ nhiều bia tiến sỹ cổ ở Hà Nội - Ảnh 3.

Nhà bia tại Đình làng Phú Xá viết về Tiến sỹ Nguyễn Kiều. Ảnh: Duy Huy.

3 năm chồng đi vắng, một tay Hồng Hà nữ sỹ phải phụng dưỡng đôi bên. Nhưng đây cũng chính là thời gian bà dịch Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn ra thơ Nôm.

Có thể nói cuộc hôn nhân của tiến sỹ Nguyễn Kiều với Đoàn Thị Điểm là một cuộc hôn nhân kỳ diệu và có tiếng vang dội cả kinh thành Thăng Long thời ấy. 

Những dấu tích còn sót lại của ông Kiều, bà Điểm

Bà Nguyễn Thị Sơn, hậu duệ đời thứ 9 của cụ Nguyễn Kiều cho biết, sau 3 năm đi sứ, năm 1745, tiến sĩ Nguyễn Kiều về nước, đoàn tụ với vợ chưa được bao lâu thì năm 1748, ông được triều đình cử đi Trấn Sở Nghệ An. Lần này bà Đoàn Thị Điểm cùng đi với ông Nguyễn Kiều vào nhận chức.

Gia phả của dòng họ ghi lại: "Khi đến gần phố Cát, đoàn thuyền dừng lại để bà Điểm lên làm lễ ở đền Sòng, nơi thờ công chúa Liễu Hạnh. Bà Điểm bị cảm lạnh ở đây, mặc dù đã tìm mọi cách cứu chữa nhưng không khỏi, bà qua đời vào ngày 11-9 năm Mậu Thìn (1748) hưởng dương 44 tuổi. 

Điều đặc biệt về ngôi làng giữ nhiều bia tiến sỹ cổ ở Hà Nội - Ảnh 4.

Lăng mộ bà Đoàn Thị Điểm có ghi "Hồng hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm chi mộ". Ảnh: Duy Huy.

Linh cữu của bà được đưa về quê hương chồng tại làng Phú Xá. Ông Kiều vô cùng thương xót, làm bài văn tế vợ rất bi ai. Sau khi bà Điểm qua đời, tiến sỹ Nguyễn Kiều cũng đã mang phần mộ của bà chuyển về làng Phú Xá ngày nay để con cháu thờ tự.

Tiến sỹ Nguyễn Kiều mất năm 1752, được dân làng Phú Xá tôn vinh là Thành Hoàng làng. Đình Phú Xá nằm sát gần với đê sông Hồng. Sân đình rộng có cây roi già mấy trăm năm tuổi. Trong đình không khí uy nghiêm, bảng lảng mùi nhang khói.

Hiện nay, chính giữa hậu cung là hai bộ ngai thờ Thành Hoàng, Nhị vị Đại vương, bên phải thờ tiến sĩ Nguyễn Kiều và nữ sĩ Hồng Hà Đoàn Thị Điểm. Bên trái thờ kiệu quan Hà Bá. Gian bên trong đình thờ 2 kiệu, (kiệu anh và kiệu em) từ thời hậu Lê. Trong đình còn có 2 ngựa thần, 1 đôi hạc, 2 bộ chấp kính, 2 ông phỗng đá và 1 chum Ngô để trong ngày hội, dân làng tổ chức lễ rước nước từ sông Hồng về đình.

Điều đặc biệt về ngôi làng giữ nhiều bia tiến sỹ cổ ở Hà Nội - Ảnh 5.

Cận cảnh ngôi mộ cụ Nguyễn Kiều nằm ngay sát mộ bà Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Duy Huy.

Bên cạnh đó, mộ cụ Nguyễn Kiều nằm trên mảnh đất rộng 225m2 của dòng họ Nguyễn ở phường Phú Thượng đã trải qua 260 năm. Mộ cụ Kiều ở xứ Đồng Tâm, dân làng quen gọi mộ cụ Nghè. Ngày 28/7/2011 mộ cụ được chuyển về hợp táng bên mộ bà Điểm. Khu mộ có tường bao, có vườn hoa cây cảnh bên phố Phú Xá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem