Dự thảo này thực chất là nâng các quy định hiện hành, đang nằm trong các thông tư, lên cấp nghị định. Nếu không nâng lên nghị định thì các điều kiện này sẽ bị vô hiệu vì Luật Đầu tư không cho phép điều kiện kinh doanh nằm ở dưới nghị định.
Nhân dịp nâng cấp, cơ quan soạn thảo đặt thêm một vài quy định mới, điều kiện kinh doanh mới. Trong đó đặt ra một điều kiện kinh doanh là doanh nghiệp (DN) phải có hệ thống đại lý, cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu của DN hoặc đồng sở hữu của DN và tổ chức, cá nhân khác; và/hoặc có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với và tổ chức, cá nhân kinh doanh mũ bảo hiểm.
Dự thảo mới về việc kinh doanh mũ bảo hiểm.
Thỏa mãn điều kiện này thì DN mới được cấp phép sản xuất mũ bảo hiểm. Nói cách khác, DN phải bán mũ “ảo” trước rồi mới có thể được sản xuất mũ “thật” sau.
Bởi khi xây dựng hệ thống đại lý hoặc ký các hợp đồng tiêu thụ, DN chưa có giấy phép sản xuất, chưa có cái mũ thật nào cả. Vậy mà phải ký hợp đồng, phải có cửa hàng bán lẻ để bán cái chưa có. Đối tác của DN là bên tiêu thụ cũng chẳng có cái mũ nào để xem vì DN đã sản xuất đâu, mà lại ký hợp đồng tiêu thụ. Thật quá lạ lùng!
Một điều kiện ảo như thế nếu được ban hành thì sẽ dẫn đến hàng loạt hợp đồng mua bán, tiêu thụ mũ ảo. Những hợp đồng, cửa hàng, đại lý này cũng chỉ vẽ trên giấy mà thôi, mang tính đối phó để có được giấy phép sản xuất mũ bảo hiểm.
Trong tờ trình đính kèm, ban soạn thảo không giải thích rõ về điều kiện kinh doanh nói trên. Tại sao DN phải có hệ thống đại lý bán mũ trước rồi mới cấp phép sản xuất mũ? Việc xây dựng hệ thống, ký hợp đồng tiêu thụ là để đảm bảo điều gì? Liệu điều kiện kinh doanh này có mang lại lợi ích gì cho người tiêu dùng hay không? Ban soạn thảo cũng không đánh giá được tác động của quy định điều kiện kinh doanh này lên DN, xã hội, cũng không đánh giá tính khả thi của nó.
Dựa trên điều kiện kinh doanh ảo như thế, liệu giấy phép sản xuất được cấp có thật không?
Quỳnh Như (PLO)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.