Thưa ông, ông nghĩ sao nếu Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước có đơn khởi kiện chống bán phá giá sản phẩm gà Mỹ?
- Khởi kiện là quyền của các ngành, doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước; ở trường hợp này là quyền của ngành chăn nuôi. Các DN, tổ chức, ngành sản xuất trong nước nếu đại diện được cho 25% thị trường trong nước thì đều có quyền khởi kiện miễn là họ chứng minh được mình có bị thiệt hại. Quy định của luật pháp quốc tế đã cho phép điều đó.
Người dân mua thịt gà nhập khẩu Mỹ tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Đ.D
Trong nước chúng ta cũng đã có luật phòng vệ thương mại để giúp các DN bảo vệ được quyền lợi nếu bị hàng hóa nước ngoài tràn vào gây hại, cạnh tranh không lành mạnh. Do vậy, nói về khung pháp lý thì cả trong và ngoài nước đã khá đầy đủ để DN, người dân có thể khởi kiện bảo vệ quyền lợi.
Lập luận của Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước để kiến nghị khởi kiện có phù hợp không, khi họ cho rằng, đùi gà Mỹ nhập khẩu về Việt Nam bán với giá rất rẻ, chỉ chưa tới 1 USD/kg, tức khoảng 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán đùi gà tại các siêu thị Mỹ rất cao, trung bình khoảng 80.000 đồng/kg?
- Để khởi kiện được, DN chăn nuôi của ta phải chứng minh được thiệt hại hoặc nguy cơ gây thiệt hại do đùi gà Mỹ nhập khẩu đưa lại. Kiện được hay không cũng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nữa. Thứ nhất là phía Mỹ có bán phá giá không? Chúng ta có chứng minh được DN Mỹ bán phá giá không? Bởi không thể vì giá bán của gà Mỹ tại Việt Nam thấp là có thể khởi kiện chống bán phá giá mà phải so sánh, cùng sản phẩm đó thì giá bán ở Mỹ là bao nhiêu mới có đủ căn cứ để khởi kiện. Tức là chúng ta phải điều tra ở nơi mà họ xuất khẩu, tức là tại Mỹ.
Vậy theo ông, nếu Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước khởi kiện gà Mỹ thì sẽ gặp những khó khăn gì?
- Theo tôi, đó là khó khăn về việc chứng minh DN Mỹ bán phá giá. Chúng ta mới chỉ đang biết giá gà Mỹ bán tại Việt Nam 20.000 đồng/kg là “nhìn chung” thôi, còn để chính thức khởi kiện phải đi sâu tìm hiểu bên Mỹ giá bán của sản phẩm này như thế nào, ra sao mới có thể chứng minh được việc họ đã bán phá giá.
Và để chứng minh được thì khó khăn nữa chính là tiền để theo đuổi vụ kiện. Tôi đã biết, nhiều vụ kiện ngay cả ở nước ngoài, họ cũng phải “ngậm đắng nuốt cay” vì không có đủ tiền để theo kiện. Khi theo kiện thì các chi phí DN đều phải bỏ ra. Nhà nước hỗ trợ về mặt này là rất khó. Chính vì thế DN của ta cần đánh giá kỹ thực tế để khởi kiện. Chúng ta có đủ căn cứ pháp lý, tính toán chính xác không? Có đủ tiền để theo kiện không? Lúc đó DN sẽ thông qua luật sư để kiện. Trong nhiều trường hợp, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho DN, nhiều tổ chức luật, chuyên gia nước ngoài, luật sư trong và ngoài nước cũng sẵn sàng trợ giúp miễn phí cho DN. Do vậy, DN cũng cần có sự kiên nhẫn, nếu thấy không còn con đường nào khác thì phải kiện để quyền lợi chính đáng của mình không bị xâm hại.
Hiện chúng ta mới chỉ áp thuế tự vệ với thép, dầu ăn để bảo vệ sản xuất trong nước. Theo ông, có phải vì thiếu tiền tham gia các vụ kiện mà không ít ngành sản xuất trong nước của ta phải chấp nhận bị thiệt thòi trước hàng ngoại?
" Chúng ta phải “đồng tâm hợp lực” thì mới có thể bảo vệ được các lợi ích chính đáng của DN, người dân cũng là bảo vệ nền sản xuất trong nước trước hàng hóa ngoại nhập theo xu hướng không tốt”.
Ông Trần Hữu Huỳnh
|
- Tôi nghĩ ít nhiều vụ kiện không quan trọng. Cứ có yêu cầu khởi kiện là cơ quan nhà nước phải tiến hành điều tra. Tôi nghĩ hội nhập sâu rộng tới đây, việc kiện tụng là hết sức bình thường, tinh thần là chúng ta ủng hộ DN nhưng phải trên cơ sở luật pháp quốc tế và trong nước. Chúng ta không vì nước lớn hay nhỏ, không vì có nhiều tiền hay ít tiền mà không khởi kiện. Vấn đề là chúng ta bị xâm phạm quyền lợi đến đâu để từ đó có các giải pháp đối phó phù hợp, không cứ là phải kiện. Bảo vệ sản xuất trong nước đang là quyết tâm cao của Chính phủ trong bối cảnh hội nhập nhưng trong các giải pháp thì khởi kiện vẫn là giải pháp cuối cùng.
Vậy theo ông, các cơ quan nhà nước có thể làm gì để hỗ trợ và bảo vệ cho DN, hiệp hội nếu họ khởi kiện?
- Xu hướng kiện là tất yếu của một nền kinh tế hội nhập mở cửa của Việt Nam. Bởi thuế của hầu hết các sản phẩm đều về 0% nên các ngành sản xuất trong nước cần phải được chuẩn bị để chấp nhận một cuộc chơi khó khăn. Các hiệp hội DN cần phải kiện toàn bộ máy, tổ chức để vào cuộc. Từ các vụ kiện và thực tiễn đã xảy ra, các DN và hiệp hội phải tự mình đúc rút lấy kinh nghiệm và tự mình giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh. Các cơ quan nhà nước khó có thể làm thay cho DN.
Các DN cũng phải hợp tác, phối hợp với nhau để bảo vệ quyền lợi chung của ngành mình. Bởi không chỉ là cánh gà, đùi gà Mỹ hôm nay mà còn là bò, hoa quả, tôm, cá thậm chí là sắt thép, tivi, tủ lạnh... của các nước tràn về ngày mai. Kiện tụng chỉ là giải pháp “chẳng đặng đừng”...
Các cơ quan nhà nước lúc này cần nhất là tuyên truyền kinh nghiệm từ các vụ kiện cho DN; cung cấp thông tin kịp thời cho DN về các biến động của thương mại quốc tế, các số liệu từ hải quan để so sánh nếu xảy ra các vấn đề như bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. Bởi nếu thông tin không chính xác thì DN không thể nào bắt kịp. Các cơ quan xúc tiến thương mại, đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài cần giúp các DN tìm hiểu kinh nghiệm từ các vụ kiện; hỗ trợ tìm kiếm các luật sư, chuyên gia quốc tế để có thể giúp các DN, hiệp hội trong nước. Cơ quan nhà nước có thể vận động hành lang, lên tiếng bảo vệ quyền lợi DN trong nước nếu bị xâm hại…
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.