Điều trị tâm lý cho nạn nhân nô lệ tình dục ngày về: Quá nhiều rào cản!

Minh Nguyệt Thứ hai, ngày 28/07/2014 17:06 PM (GMT+7)
“Lúc trẻ tưởng nói quên là có thể quyên được, giờ mới biết có những chuyện càng muốn quên nó lại càng ở trong lòng. Lúc trẻ cứ mơ ước lớn lên sẽ trở thành  người này người kia, về già mới hiểu được trở thành chính mình là điều hạnh phúc nhất” – đó là những dòng tâm sự của nạn nhân M.T.S (Lào Cai) chép lại trong cuốn vở ô ly trong môn học liên quan tới kỹ năng sống “Tìm lại giá trị cho bản thân” do NNBY hỗ trợ.
Bình luận 0

Thực tế, không phải nạn nhân bị buôn bán bóc lột tình dục nào cũng nhận được sự hỗ trợ như S. Thiếu sự hỗ trợ, hỗ trợ sai phương pháp khiến tổn thương tâm lý của các nạn nhân càng nặng nề… vì vậy, không ít người đã tìm đến cái chết.

img
 Những trang viết đầy tâm sự của M.T.S trong lớp học kỹ năng “Tìm lại hệ giá trị cho bản thân”

80% nạn nhân gặp sang chấn phức tạp

Nạn nhân M.T.S (16 tuổi Lào Cai) là 1 trong hơn 10 nạn nhân của nạn buôn bán người hiện đang được trú ngụ tại ngôi nhà bình yên (NNBY).

Tại đây, S cùng nhiều bạn khác được hỗ trợ tâm lý và dạy các kỹ năng sống cơ bản. Ngoài ra, nạn nhân còn được tham gia học nghề, học vẽ, học nấu cơm, đi giã ngoại… tất cả đều nhằm mục đích “Tìm lại giá trị sống” cho bản thân nạn nhân.

Trường hợp của M.T.S là một nạn nhân đặc biệt. Bản thân S là nạn nhân của cả một chuỗi những nỗi đau. Từng bị bạo lực gia đình, bố dượng lạm dụng tình dục, người yêu lừa bán cô sang Trung Quốc làm gái bán dâm, chịu cảnh hơn 1000 ngày làm “nô lệ tình dục” nên những sang chấn của cô được liệt vào hàng phức tạp và khó điều trị nhất.

Tại NNBY, cô được các chuyên gia tâm lý tư vấn, trị liệu tâm lý kết hợp dạy những kỹ năng sống để tìm lại giá trị của bản thân. Bên canh đó, NNBY còn giới thiệu cô tới điều trị kết hợp tại Bệnh viện tâm thần Trung ương. Bằng kỹ thuật trị liệu phân tâm, kết hợp dùng thuốc trợ lực, an thần, tinh thần của H đã dần được phục hồi. Cô đã có niềm tin hơn cuộc sống và hiện giờ cô đang tham gia học nghề may tại Hà Nội.

Theo bà Bích, đây chỉ là một trong số ít những trường hợp được hỗ trợ điều trị thành công. Đa số các nạn nhân gặp phải sang chấn tâm lý phức tạp thường không thể phục hồi. Khi tái hòa nhập nếu bị gia đình ghẻ lạnh, hàng xóm kỳ thị thì các chấn thương này lại bùng phát.

Hiện nay, Việt Nam Bộ Luật hình sự Việt Nam đã quy định cụ thể về hình phạt với đối tượng mua bán phục vụ cho mục đích mại dâm, tuy nhiên mức xử lý còn nhẹ. Bên cạnh đó, Thông tư liên Bộ số 113/2010 của Bộ Tài Chính và Bộ LĐTBXH cũng có quy định mức hỗ trợ tài chính cho nạn nhân bị mua bán trở về. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này khá “bèo bọt”. Tuy đã có văn bản, nghị định dưới luật quy định về hình thức hỗ trợ, phối hợp giữa các đơn vị nhưng hiệu quả thực hiện chưa cao.
Thống kê của NNBY trong 7 năm (2004 -2014) cho thấy 100% phiếu kiểm tra thể trạng sức khỏe, tinh thần ban đầu của nạn nhân đều có những biểu hiện của bệnh tâm lý; 80% trong số ấy được xác định là có các sang chấn tâm lý phức tạp.

 

Không chỉ Việt Nam, Indonesia cũng gặp những khó khăn tương tự khi điều trị cho các nạn nhân gặp phải chấn thương phức tạp. Bà Riza wahyuni – Nhà tâm lý học, Trung tâm phục hồi chức năng (ở Java, Indonesia) cho biết 8/10 nạn nhân tại đây có một chấn thương dạng này. Bà Riza đã từng điều trị cho một phụ nữ 20 tuổi. Cô này đã bị hãm hiếp ngay tại nơi cô ở, một trong những tên hiếp dâm lại chính là cha của bạn tra cô. Cô đã mang thai và phải trốn chạy tới tỉnh Surabaya. Một người lái xe xích lô đã giúp cô, nhưng sau đó chính gã này lại bán cô cho một nhà thổ và buộc cô phải bán dâm. Ngày trở về, cô chán nản, không thể tin tưởng bất cứ ai. “Chúng tôi đã đề nghị nạn nhân không về nhà sau trị liệu tâm lý, nhưng cô ấy nói, cô có một bà ngoại già yếu phải chăm sóc. Trở về nhà đồng nghĩa với việc cô sẽ phải đối mặt với những người đã hủy hoại cô”- bà Riza nói.

Thiếu hỗ trợ tâm lý

Bà bích cho rằng tâm lý trị liệu chính là hệ thống các phương pháp, kỹ thuật được nhà tâm lý sử dụng nhằm cải thiện sức khỏe, tinh thần, tháo gỡ các trở ngại trong cảm xúc và hành vi của nạn nhân trong cuộc sống. Làm tốt khâu này, các nạn nhân mới có thể hòa nhập cộng đồng.

Trên thực tế, không phải nạn nhận nào cũng nhận được sự hỗ trợ toàn diện. Thông tin từ Trung tâm Bảo vệ và Phát triển nghề nghiệp Kredtakarn (tỉnh Nontaburi, Thái Lan) cho biết họ đã từng tiếp nhận một nạn nhân đến từ Việt Nam khi cô này mới 16 tuổi. Nhưng ở đây, cô chỉ nhận được hỗ trợ cơ bản về nơi trú ngụ, đồ ăn mà không được nhận thêm bất kỳ hỗ trợ nào trong suốt thời gian cư trú gần 4 năm tại đây. Sau một loạt những sang chấn gặp phải, cô chỉ biết khóc, đôi lúc còn điên loạn và có ý nghĩ muốn chết.

Nghiên cứu “hậu buôn bán người” ở khu vực tiểu vùng Sông Mê Kông do UNIAP và UNICEF và một số tổ chức quốc tế thực hiện cuối năm 2013 đã cho thấy một thực trạng chung. Đa phần nạn nhân đều thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, từng gặp các vấn đề về ức chế tâm lý trước đó. Phần nhiều đều là nạn nhân của cái nghèo, bạo lực gia  đình, lạm dụng tình dục… Báo cáo này cũng chỉ ra rằng, chỉ có rất ít số nạn nhân trên thực tế nhận được hỗ trợ.

Bà Vũ Thị Thu Phương - Điều phối Dự án Quốc gia về hợp tác phòng chống buôn bán người của Liên Hợp Quốc (UN-ACT) thì cho biết: Hiện có tới gần 25% số nạn nhân được khảo sát theo báo cáo trên không nhận được bất cứ hình thức hỗ trợ nào từ nước nguồn lẫn nước đến (nước bị bán và nước mua). Chỉ có 44% số nạn nhân được hỗ trợ ở nước đến và 81% được hỗ trợ ở nước nguồn, nhưng là hỗ trợ không toàn diện.

 

img

Ảnh đồ họa infographic về tình hình buôn bán người tiểu vùng sông Mê Kông

 

 

 “Mặc dù gặp phải sang chấn rất phức tạp, nhưng chỉ số ít nạn nhân nhận được sự hỗ trợ toàn diện như: Chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn hòa nhập cộng đồng hỗ trợ vốn vay… đa phần chỉ là gói hỗ trợ cơ bản như: quần áo, thuốc men, vé tàu xe… về nơi cư trú. Những hỗ trợ tư vấn tâm lý trị liệu gần như là không được thực hiện”- bà Phương nói.  

Ngoài những vấn đề chủ quan từ phía nạn nhân, báo cáo “hậu buôn bán” của tiểu vùng Sông Mê Kông cũng thừa nhận nhiều hạn chế trong việc hỗ trợ nạn nhân như: Ngân sách còn hạn chế, phối hợp chưa hoàn hảo, phương pháp điều trị cũ, thiếu chuyên gia tâm lý trị liệu có kinh nghiệm, có chuyên gia còn không biết tiếng dân tộc nên không thể hỗ trợ tư vấn cho nạn nhân…  Đây là những rào cản chính trong quá trình hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân của nạn buôn bán người.

Nạn nhân bị mua bán trở về và nạn nhân của bạo lực gia đình có thể gọi tới số điện thoại đường dây nóng của Ngôi nhà bình yên để được hỗ trợ, tư vấn trực tiếp theo số điện thoại sau: ĐT: 04 -37280936 hoặc 0946 833 380.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem