Đình làng cổ Hà Thượng ở Quảng Trị đã 333 năm tuổi, nơi trở về của hàng ngàn người làng khắp nơi

Ngọc Vũ Thứ hai, ngày 06/11/2023 13:30 PM (GMT+7)
Qua bao biến thiên của lịch sử, đình làng cổ Hà Thượng có tuổi đời 333 năm vẫn vẹn nguyên nét cổ kính và được xem là công trình tiêu biểu duy nhất còn sót lại thể hiện kiến trúc đình làng của miền Trung vào thế kỷ XVII. Đây là nơi trở về của hàng ngàn con dân làng Hà Thượng mỗi dịp lễ hội trọng đại.
Bình luận 0

Đình làng cổ-Di tích lịch sử Quốc gia

nguyen duc au

Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Đức Ấu – Hội chủ làng Hà Thượng để chiêm ngưỡng ngôi cổ đình được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia.

Rảo bước dưới mái đình cổ kính, rêu phong, ông Ấu cho biết, đình làng Hà Thượng nằm về phía Đông của làng Hà Thượng, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị; cách quốc lộ 1A chưa đầy 1 km về phía Đông và cách đường 75B khoảng 800m về phía Bắc.

Đình làng Hà Thượng tuổi đời 333 năm – nơi trở về của hàng ngàn con dân - Ảnh 1.

Đình làng cổ Hà Thượng (thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) được công nhận di tích quốc gia năm 1991. Ảnh: Ngọc Vũ.

Đình có diện tích 8.450m2, nằm tại vị trí đắc địa, lưng tựa vào xóm làng, mặt hướng ra hồ lớn và cánh đồng trù phú. Phía xa xa trước mặt đình là một dải đất cao như tấm bình phong. Vị trí này phù hợp với phong thuỷ của người Việt.

Theo các tài liệu lưu trữ, đình làng Hà Thượng được xây dựng năm Chính Hoà thứ 11 (năm 1690). Đến năm Thành Thái thứ 15 (1903), ngôi đình được đại trùng tu và xây mới một số công trình khác như cổng ngõ, tường thành. Phương pháp sử dụng tường gạch và cột xi măng đã được áp dụng. Hệ thống cột cù, cột hiên được thay bằng các trụ gạch đắp vữa và trang trí. Hệ thống tường cũng đã được xây lên xung quanh hai gian tiền sảnh…

Toàn bộ khuôn viên bao gồm một tòa đại đình và 4 ngôi miếu thờ 4 vị thần: Miếu thờ Thành hoàng, hai miếu thờ hai vị khai khẩn họ Lê và họ Nguyễn, miếu thờ ông Lê Hiếu.

Đình làng Hà Thượng tuổi đời 333 năm – nơi trở về của hàng ngàn con dân - Ảnh 2.

Mặt trước của đình làng Hà Thượng. Nơi đây, Đoàn thanh niên đã lắp đặt hệ thống mã QR để du khách có thể tìm hiểu sâu hơn về di tích này. Ảnh: Ngọc Vũ.

Cấu trúc bộ khung gỗ chịu lực được thực hiện theo mô thức của một ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, phân bố theo 6 hàng cột. Trên bộ mái lợp ngói, mái thẳng, độ dốc vừa phải; bờ nóc, bờ quyết, đầu đao gắn các mảng trang trí rồng chầu nguyệt, giao hồi văn, giao lá bằng nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành sứ. 

Bên trong ngôi đình được phân thành hai phần. Phần tiền đường gồm không gian của gian chái trước và hai gian ngoài dùng làm nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp, ăn uống. Phần hậu liêu gồm không gian của gian chái sau và một gian trong dùng làm nơi thờ cúng, tế tự. 

Hệ thống cổng và tường thành phía trước đình được xây bằng gạch, xi măng; nền móng khá cao được xây bằng đá bazan.

Đình làng Hà Thượng tuổi đời 333 năm – nơi trở về của hàng ngàn con dân - Ảnh 3.

Tường thành phía trước đình làng Hà Thượng. Ảnh: Ngọc Vũ.

Các ngôi miếu thờ ở trong khuôn viên đình làng Hà Thượng đều có cổng và tường khép kín. Cấu trúc theo kiểu nhà rường một gian hai chái, các miếu đều có dạng gác lửng dựa trên bốn cột chính của bộ khung gỗ, có chức năng làm bệ thờ.

Với lối xây dựng này, đình làng Hà Thượng được xem là sản phẩm tiêu biểu duy nhất còn sót lại thể hiện kiến trúc đình làng của miền Trung vào thế kỷ XVII.

Đặc biệt trước mặt đình là khu chợ Cầu - nơi trao đổi hàng hóa và mua bán sầm uất một thời của vùng Gio Linh/Quảng Trị. Đình gắn với chợ là biểu hiện mối quan hệ giữa trung tâm trao đổi kinh tế với trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, hội hè.

Nơi về nguồn

Theo ông Ấu, làng Hà Thượng hình thành từ thời Hồng Đức (năm 1475), được khai phá mở mang và tổ chức thành làng xã dưới thời các chúa Nguyễn (thế kỷ XVI – XVII). Dân làng Hà Thượng hiện nay có nhiều họ đến làm ăn sinh sống, trong đó 10 dòng họ được triều đình sắc phong. Tiền khai khẩn là hai họ Lê Thiên và Nguyễn Thọ. Hậu khai căn gồm họ Hoàng Xuân, Lê Đình, Tạ, Nguyễn Thúc, Dương, Võ, Nguyễn Hữu, Hoàng Đức.

Đình làng Hà Thượng tuổi đời 333 năm – nơi trở về của hàng ngàn con dân - Ảnh 4.

Bên trong đình làng Hà Thượng. Ảnh: Ngọc Vũ.

Từ buổi ban đầu thành lập, các dòng họ, con dân của làng Hà Thượng tuy đến từ nhiều miền quê khác nhau nhưng đã đoàn kết, tương thân tương ái, dựa vào nhau để vượt qua vô vàn khó khăn thử thách như thiên tai, chiến tranh. Họ cùng nhau sinh tồn, phát triển về mọi mặt, làm cho làng trở nên trù phú.

Hoà chung trong dòng chảy của văn hoá Việt Nam, đình làng Hà Thượng là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh, là hiện thân của tình đoàn kết cộng đồng, nơi lưu giữ nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp và là chứng tích, chứng kiến bao thăng trầm của làng quê.

Hàng năm, vào ngày 15 và 16 tháng 7 âm lịch, dân làng Hà Thượng và nhiều nơi trong vùng tập trung tại đình để dự ngày hội làng, tục gọi là lễ Cảnh quân (lễ tế lục nguyệt). Ngày nay để phù hợp với đời sống văn hóa mới và kết hợp giữa ngày hội làng với ngày vui của dân tộc nên lễ Cảnh quân được thay tên gọi là lễ Đại tự kỳ an. Thời gian tổ chức hội làng trong vòng 3 ngày.

Đình làng Hà Thượng tuổi đời 333 năm – nơi trở về của hàng ngàn con dân - Ảnh 5.

Dân làng Hà Thượng tổ chức lễ Đại tự kỳ an năm 2023. Ảnh: Lê Minh Tuấn.

Nội dung của lễ là nghinh rước các vị thần từ các nơi về đình để tế lễ, nhằm tri ân công lao bảo trợ, che chở và khai cơ sáng nghiệp của các bậc tiền nhân. Đồng thời cầu mong về một cuộc sống bình yên thịnh vượng, quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, nhân dân ấm no hạnh phúc. Nội dung của hội bao gồm các trò diễn như múa náp, múa chậu, múa long hổ, múa lân, nhạc cổ truyền, võ thuật, hát bài chòi, lễ hoa đăng, thi vật, thi kéo co…

Ông Nguyễn Đức Ấu – Hội chủ làng Hà Thượng cho biết, các câu đối tại đình đều do tiền nhân để lại, nhắc nhở con cháu đời sau dù làm gì, ở đâu đều phải giữ được nét đẹp truyền thống. Vì vậy, mỗi thế hệ con dân làng Hà Thượng đều tổ chức các lễ, hội, lưu truyền nét đẹp văn hoá đến mỗi nóc nhà, mỗi con người.

Đình làng Hà Thượng tuổi đời 333 năm – nơi trở về của hàng ngàn con dân - Ảnh 6.

Một gian thờ trong khuôn viên đình làng cổ Hà Thượng (thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Ngọc Vũ.

Hơn thế nữa, 1.823 hộ dân với hàng ngàn nhân khẩu hiện nay của làng Hà Thượng luôn tiếp bước tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau xoá đói giảm nghèo, làm giàu; nhiều con em trong làng chăm học, đỗ đạt cao.

Bí thư Huyện uỷ Gio Linh Trần Văn Quảng cho biết, đình làng Hà Thượng không chỉ có ý nghĩa to lớn về văn hoá, xã hội, mà còn là nơi ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử của Đảng. Ngày 1/2/1932, nơi đây diễn ra lễ thành lập Chi bộ chợ Cầu - một Chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Gio Linh, mở ra thời kỳ cách mạng mới cho quần chúng nhân dân đấu tranh chống xâm lược, giành độc lập dân tộc.

Với tầm vóc quan trọng ấy, mặc dù kinh phí còn hạn hẹp nhưng Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh và địa phương luôn quan tâm, trùng tu, bảo tồn đình làng Hà Thượng.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem