Đinh-tut của người Triêng

Thứ năm, ngày 16/09/2010 09:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giữa không gian đại ngàn thăm thẳm, tiếng Đinh-tut lan tỏa, trôi bồng bềnh tựa mây, tuôn dài như dòng suối mẹ, vọng vang vào tận hang đá... vừa rộn rã, vừa linh thiêng, độc đáo.
Bình luận 0

 

Chúng tôi có mặt tại Đăk Pring đúng vào dịp Choóc đăil - lễ hội truyền thống tôn vinh nhạc cụ Đinh-tut của đồng bào Triêng.

img
Đội Đinh-tut của người Triêng đang biểu diễn .

Đồng bào Triêng là một nhánh địa phương thuộc dân tộc Giẻ Triêng, sinh sống chủ yếu ở các xã vùng sâu như La Dêê, Đăk Pre, Đăk Pring thuộc huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Từ ngàn đời nay, người Triêng còn lưu giữ cho mình những giá trị văn hóa truyền thống quý báu, trong đó có âm nhạc, mà nổi bật là cây sáo có tên Đinh-tut.

Đinh-tut được các nghệ nhân tự chế bằng 6 ống từ cây ha-chiên (thuộc họ tre nứa). "Đinh" nghĩa là ống, "tut" nghĩa là giai điệu và Đinh-tut là ống phát ra giai điệu. Người già trong buôn kể rằng, người Triêng quen làm nương rẫy ở vùng quanh năm lộng gió nên mùa trỉa rẫy, trong lúc lom khom trỉa hạt giống thì từ ống ha-chiên đựng hạt giống phát ra những âm thanh trầm bổng rất vui, tạo phấn khích trong lao động sản xuất. Từ đó, người ta nghĩ ra Đinh- tut.

Các ống Đinh-tut được sắp xếp từ lớn đến nhỏ, từ dài đến ngắn lần lượt có tên là: Piđu, piđy, chel, chắk, rơn 1, rơn 2. Mỗi cây Đinh-tut có một lóng và được giữ nguyên một mắt, đầu rỗng được vót hai bên tạo cho ống có dáng hình phễu để thổi. Thổi Đinh-tut thường là nam giới, phải có sức khỏe và cả kỹ thuật. Một đội Đinh-tut thường có từ 8 người trở lên.

Tùy vào sở trường của từng người mà 6 ống do 6 người phụ trách, còn lại 2 người hòa điệu cồng chiêng. Khi thổi, nghệ nhân Đinh-tut phải nhún nhảy mô phỏng những động tác của người đang trỉa lúa hoặc nhổ cỏ, giặm lúa...

Tùy thuộc vào từng bài Đinh-tut mà người thổi hòa âm với nhau theo 3 hoặc 4 cặp một. Thường khi biểu diễn thì cặp Đinh-tut ngắn và nhỏ nhất sẽ thổi trước, kế đến là cặp trung, rồi đến cặp dài nhất cùng hòa âm với nhau thành 8 điệu, gọi là 8 bài tương ứng, gồm: Za zá, pê lách, túk chiêng hoong, troong zục, trơn lăil, zức zăih… hòa cùng những điệu múa tạo nên một dòng chảy không dứt trong đêm hội.

"Đinh-tut là một món ăn tinh thần, nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất và nhất là trong các dịp lễ hội của cộng đồng người Triêng, như lễ lập làng, lễ mừng nhà mới, mừng cưới hỏi và đặc biệt là lễ hội Choóc đăil..." - già Zơrâm Pha, 87 tuổi, buôn Đăk Rế chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem